Kiều hối - "dòng huyết mạch" của tăng trưởng kinh tế châu Phi (Phần 2)

07:03' - 02/03/2019
BNEWS Bất chấp các cuộc xung đột, các nhóm kiều dân vẫn gửi tiền cho gia đình, bạn bè và họ có thể sẵn sàng đầu tư vào trong nước ngay cả khi các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm.
Cảnh sát Ethiopia bắt giữ nghi phạm đánh bom tại thủ đô Addis Ababa ngày 23/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Dường như xung đột không ảnh hưởng tiêu cực tới dòng kiều hối. Từ năm 2009, xung đột và bất ổn gia tăng ở Nigeria, nhưng lượng kiều hối không bị sụt giảm. Do đó, thực tế là xét trong những điều kiện tương tự, đầu tư của kiều dân và lượng kiều hối sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi xung đột hơn so với các hình thức đầu tư nước ngoài khác.

Tình hình ở Ivory Coast cũng tương tự như vậy. Từ năm 1997 đến đầu những năm 2000, tần suất xung đột gia tăng và đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đáng kể. Từ giữa đến cuối những năm 2000, xung đột tại nước này ít hơn và đầu tư nước ngoài tăng mạnh. 

Hai năm 2010-2011 xung đột tăng đột biến, khiến đầu tư nước ngoài suy giảm mạnh. Đầu tư nước ngoài từ năm 2012 đến nay ổn định hơn do ít xung đột diễn ra. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Ivory Coast tương đối ổn định bất chấp sự thay đổi của tần suất xung đột. Kiều hối phần lớn ổn định trong cả hai giai đoạn xung đột gia tăng.

Tuy nhiên, trường hợp của Ethiopia là một ngoại lệ. Từ năm 1997, kiều hối gửi về Ethiopia tương đối ổn định, tăng đột biến từ năm 2011 cùng với sự gia tăng của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, cả kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Ethiopia sụt giảm từ năm 2014, hai năm trước khi bạo lực bùng phát ở nước này.

Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa đầu tư nước ngoài, kiều hối và tần suất xung đột không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhưng đa số trường hợp nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa các yếu tố này. 

Nghiên cứu của Quỹ Một Trái Đất tương lai, Đại học Colorado cho kết quả tương tự với các nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu của WB cho thấy kiều hối vẫn ổn định và thậm chí tăng trong thời kỳ khủng hoảng như thiên tai, khủng hoảng kinh tế hoặc xung đột.

Kết quả nghiên cứu trên có ý nghĩa gì đối với đầu tư của kiều dân? Bất chấp các cuộc xung đột, các nhóm kiều dân vẫn gửi tiền cho gia đình, bạn bè và họ có thể sẵn sàng đầu tư vào trong nước ngay cả khi các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm.

Các nhà đầu tư thuộc cộng đồng kiều dân thường cân nhắc rộng hơn việc bảo toàn vốn và tối đa hóa lợi nhuận từ khoản đầu tư về trong nước. Vì vậy, nhiều khả năng, kiều dân sẽ là một nguồn đầu tư ổn định hơn đối với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vào đúng thời điểm các nước này cần nguồn đầu tư nhất.

Hiện tại, tỷ trọng kiều hối được tiết kiệm, đầu tư hoặc sử dụng để sinh lợi nhuận đang ở mức rất thấp so với tổng lượng kiều hối, bởi dòng tiền này thường được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về lương thực, nhà ở và chăm sóc sức khỏe. Thực tế này khiến kiều hối chưa được sử dụng hết công năng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Vậy làm cách nào để thay đổi thực tế này? Trước hết, quốc gia châu Phi tiếp nhận kiều hối và các tổ chức tài chính cần thiết lập nhiều cơ chế đầu tư đa dạng hơn cho các nhà đầu tiềm năng thuộc cộng đồng kiều dân. Các chính phủ có thể thúc đẩy đầu tư từ kiều dân bằng cách giới thiệu sự tương quan rõ ràng giữa các hình thức, biện pháp đầu tư với phát triển và hỗ trợ phục hồi xung đột.

Giới học thuật, các thực thể đa phương, các tổ chức xã hội dân sự có thể tiến hành các nghiên cứu cơ bản về ưu tiên của các nhà đầu tư từ cộng đồng kiều dân và hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng các lựa chọn đầu tư đối với các nhà đầu tư tiềm năng này./.     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục