"Lục địa già" chào đón Iran như thế nào?

06:30' - 31/01/2016
BNEWS Lần đầu tiên trong hơn 10 năm có một nhà lãnh đạo từ thế giới Hồi giáo đến thăm một thủ đô châu Âu để ký những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD.
Châu Âu chào đón Iran. Ảnh: europeiranforum3.com

Báo Độc lập (Nga) tuần trước cho biết chỉ tính riêng các hợp đồng Iran vừa ký với các doanh nghiệp tại Italy đã lên tới con số 17 tỷ euro.

Điều đó cho thấy chuyến công du tới “Lục địa già ” của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, sau khi nước này vừa thoát khỏi thế bị cô lập, đang thực sự trở thành một sự kiện đáng nhớ không chỉ trong lịch sử Iran, mà còn các quốc gia châu Âu.

Lần đầu tiên trong hơn 10 năm có một nhà lãnh đạo từ thế giới Hồi giáo đến thăm một thủ đô châu Âu để ký những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD. Tehran đang thực sự biến thành một "ngưỡng cửa vàng" đối với châu Âu.

Nhiều quốc gia đang muốn bước qua ngưỡng cửa đó, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, khi mà các quốc gia châu Âu không tránh khỏi tâm lý muốn cạnh tranh với Nga, vốn đang phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, trước hết trong lĩnh vực tài chính.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi lịch sử, sau suốt 16 năm qua của phái đoàn nhà nước Iran, chính là thủ đô Rome, nơi nhà lãnh đạo Rouhani hội đàm với Thủ tướng Italy Matteo Renzi và các doanh nhân nước này.

Theo đánh giá của tờ Financial Times, trị giá các hợp đồng được ký trong ngành luyện kim, phát triển cơ sở hạ tầng nước, xây dựng lên tới 17 tỷ euro này chỉ là điểm đầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Matteo Renzi sau lễ ký, Tổng thống Rouhani khẳng định thị trường Iran “tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Italy và châu Âu tự khẳng định mình trong toàn khu vực”.

Iran và Italy thắt chặt quan hệ song phương. Ảnh: irandaily.com

Về phần mình, Thủ tướng Renzi cho rằng các thỏa thuận thương mại mà Italy ký kết với Iran chỉ là sự khởi đầu hợp tác giữa hai nước. Ông nói: “Chúng tôi đã ký những thỏa thuận đầu tiên, và chúng tôi chỉ mới ở phần đầu của chặng đường dài”.

Trong một số thỏa thuận nổi bật được ký kết có hợp đồng xây dựng đường ống dẫn dầu trị giá từ 4-5 tỷ euro của tập đoàn dịch vụ dầu mỏ Saipem, hợp đồng trị giá 5,7 tỷ euro của công ty thép Danieli và dự án 4 tỷ euro của công ty xây dựng hạ tầng Condotte d'Acqua.

Tờ Financial Times lưu ý rằng các công ty của Pháp cũng rất quan tâm tới  Iran nhất ngay sau khi nước này được dỡ bỏ cấm vận".

Tuần trước, Chủ tịch Tập đoàn Renault-Nissan, ông Carlos Ghosn, đã công bố kế hoạch của tập đoàn nhằm thâm nhập thị trường Iran và khẳng định sẽ hiện diện nhiều hơn nữa tại Iran.

Một đối thủ cạnh tranh khác của Pháp, hãng Citroen, đã bán được 1 triệu ô tô tại Iran, cũng đang thảo luận về một nhà máy lắp ráp mới với hãng chế tạo ô tô của Khodro của Iran. Trong khi đó Tehran đang có mục tiêu phát triển quan hệ với tập đoàn dầu khí Total của Pháp.

Tổng thống Iran Rouhani bày tỏ hy vọng sẽ thu hút khoảng ​​50 tỷ euro đầu tư của các công ty châu Âu trong năm nay. Trước đó, giới chức Iran cho rằng nếu thu hút được từ 30-50 tỷ euro sẽ giúp bảo đảm tăng trưởng 8% cho nền kinh tế Iran trong vòng một năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục