Lực hút cho khu vực tư nhân đầu tư vào “điện sạch”
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cả về nguồn điện và lưới điện. Nhờ đó, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió.
Tuy nhiên, những khó khăn trong lưới điện truyền tải, các cơ chế chưa thực sự đồng bộ và dài hạn khiến nhiều nhà đầu tư “nản lòng”. Điều này cũng đặt ra việc xây dựng các cơ chế, chính sách, đặc biệt là hành lang pháp lý về năng lượng tái tạo cần được triển khai sớm.
Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương liên quan đến những vướng mắc này. Phóng viên: Xin ông cho biết quan điểm của Việt Nam trong thu hút đầu tư tư nhân phát triển năng lượng tái tạo? Những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này đến nay ra sao? Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở mức khá chưa tính thủy điện. Theo báo cáo, tính toán của Viện Năng lượng, tại Việt Nam tổng tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ với vận tốc từ 5,5 m/s trở lên ở độ cao 80m là 54 GW, tiềm năng điện gió ngoài khơi khoảng 160 GW.Đối với điện mặt trời, tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434 GW bao gồm điện mặt trời mặt đất, nổi, mái nhà. Các nguồn điện năng lượng tái tạo khác như điện sinh khối, điện khí sinh học, điện chất thải rắn có tiềm năng kỹ thuật khoảng 10 GW.
Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo như điện gió ( năm 2011, điều chỉnh năm 2018), điện sinh khối ( năm 2014, điều chỉnh năm 2019), điện từ chất thải rắn (2014), điện mặt trời (năm 2017, điều chỉnh năm 2019, ban hành mới tiếp theo năm 2020) theo Biểu giá bán điện cố định trong 20 năm. Tính tới thời điểm tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất 5.053 MW. Hiện cũng có 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất 429 MW, 325 MW công suất điện sinh khối và điện chất thải rắn gần 10 MW. Như vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời hiện đã là 5.482 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn hệ thống điện. Tính đến ngày 5/8/2020, đã có trên 42.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất 948 MWp. Phóng viên: Nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào điện gió, điện mặt trời gặp khó khăn khi không được giải tỏa hết công suất do lưới điện truyền tải chưa đáp ứng được. Vậy quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào, thưa ông? Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Bộ Công Thương chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư vào năng lượng tái tạo (chủ yếu vào điện gió và điện mặt trời thời gian qua). Các Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 khuyến khích phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời đã tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2019, có 91 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.680 MW và 9 công trình điện gió với tổng công suất khoảng 370 MW với sản lượng điện phát của các nhà máy này trong năm 2019 đạt 5,5 tỷ kWh, chiếm 2,3% sản lượng điện toàn hệ thống. Việc này đã góp phần bổ sung nguồn cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh hệ thống bị thiếu nguồn cấp, sản lượng huy động thủy điện sụt giảm nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, đặc biệt giảm được sản lượng huy động từ các nguồn điện chạy dầu có giá thành rất cao. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời giai đoạn vừa qua còn tồn tại hạn chế do phát triển nguồn và lưới chưa đồng bộ. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời với tổng công suất khoảng 670 MW trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, chiếm 13% công suất đã vào vận hành phải thực hiện hạn chế công suất phát trong một số thời điểm do quá tải lưới điện. Tuy sản lượng điện bị hạn chế của 19 dự án là không nhiều nhưng có ảnh hưởng lớn đến xã hội và môi trường đầu tư. Để giải quyết những tồn tại, Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc EVN và các đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện, sớm đưa vào vận hành các công trình giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và các công trình lưới điện truyền tải.Bộ cũng chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam, Trung tâm điều độ Hệ thống điện miền Nam phối hợp với chủ đầu tư các dự án điện mặt trời lên phương án thi công công trình cải tạo và xây dựng mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí để hạn chế cắt điện khi điện mặt trời phát.
Phấn đấu hết năm 2020, khi hoàn thành đưa vào vận hành các công trình lưới điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận như trạm biến áp 220 kV Phan Rí, trạm biến áp 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí..., đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối sẽ đảm bảo giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã được quy hoạch.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2199/BCT-ĐL ngày 27/3/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung các công trình lưới điện truyền tải đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo và cung ứng điện đến năm 2025, đã được Chính phủ đồng ý. Đối với quy hoạch điện gió, Bộ Công Thương đã có các Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch khoảng 7.000 MW công suất điện gió. Như vậy, giai đoạn này, Bộ thực hiện đồng bộ và tổng thể quy hoạch nguồn và lưới điện. Về mặt quy hoạch, trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện để đảm bảo giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Về mặt đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, sau khi ký kết các thỏa thuận chuyên ngành (như thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện,...) cần thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin tình hình triển khai dự án cho các đơn vị ngành điện, để ngành xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình lưới điện phù hợp, đảm bảo đồng bộ nguồn và lưới, tránh việc dự án nguồn đã thực hiện xong mà lưới điện giải tỏa công suất vẫn chưa hoàn thành. Phóng viên: Thực tế, hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp là Trung Nam Group đầu tư xây dựng trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV tại tỉnh Ninh Thuận để giải tỏa công suất nhà máy điện mặt trời do doanh nghiệp này đầu tư. Còn lại các doanh nghiệp tư nhân khác chỉ mới đầu tư vào các nhà máy điện (nguồn điện). Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật số 64/2020/QH14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và có hiệu lực đầu năm 2021). Theo đó, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực. Như vậy, mặc dù Luật PPP quy định đầu tư lưới truyền tải nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định Luật Điện lực. Do đó, để thực hiện đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải vẫn phải sửa nội dung của Luật Điện lực về quy định độc quyền trong hoạt động truyền tải điện; trong đó, có thể chỉ xem xét một số hoạt động độc quyền nhà nước như quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.Nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) các quy định liên quan đến độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải tại Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn dưới Luật cần được thực hiện rà soát tổng thể cùng với nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện Luật Điện lực được nêu tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc xóa bỏ độc quyền về truyền tải điện là vấn đề mới, cần cân nhắc từ thực tế của Việt Nam trên cơ sở đánh giá tác động tới việc tái cơ cấu ngành điện, thị trường điện do thay đổi hoàn toàn cấu trúc thị trường điện các cấp độ, định hướng phát triển ngành điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phân định trách nhiệm các bên tham gia, tác động vào giá bán điện... và các vấn đề về đảm bảo về an ninh quốc gia, an ninh năng lượng. Do vậy, ngoài việc sửa đổi các quy định hiện hành quy định nhà nước không độc quyền về truyền tải điện thì còn phải điều chỉnh các quy định về điều độ vận hành hệ thống, thị trường điện.... Ngoài ra, cần phải nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia đã thực hiện xóa bỏ độc quyền về truyền tải điện, các vấn đề vướng mắc gặp phải khi xóa bỏ độc quyền và cách thức xử lý, triển khai thí điểm một số trường hợp để đánh giá tác động, hiệu quả thực hiện, từ đó, mới có thể đề xuất cơ chế thực hiện phù hợp.Phóng viên: Bộ Công Thương đã có giải pháp, cũng như tham mưu Chính phủ về cơ chế, chính sách thế nào, đặc biệt là thủ tục, các loại giấy phép, giải phóng mặt bằng, đất đai... để không làm nản lòng các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo?
Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Hiện nay, cơ chế khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật là quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chủ yếu tập trung vào cơ chế giá bán điện. Các cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai.. thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Thuế. Ngoài ra, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo cũng tuân thủ các quy định tại pháp luật về quy hoạch, đầu tư, môi trường, xây dựng và các quy định hiện hành khác. Trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung chính như: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Về chính sách, với các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các hộ tiêu thụ, các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ... lắp đặt điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho chính nhu cầu của mình cùng kết hợp với điện mua từ lưới điện hoặc bán lên lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, Bộ tham mưu tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền tải kết hợp với các hệ thống lưu trữ (như thủy điện tích năng, hệ thống ắc quy...) và tăng cường khả năng điều độ vận hành hệ thống điện, tăng cường kết nối lưới điện khu vực. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ nguồn điện năng lượng tái tạo, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện. Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW; trong đó ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh.Mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Một trong những định hướng chính sách được đưa ra là nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo. Đây là định hướng lớn để Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình cấp thẩm quyền trong thời gian tới./.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu ý kiến về phát triển điện mặt trời mái nhà
15:55' - 27/08/2020
Điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
-
Kinh tế & Xã hội
Khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020
10:29' - 25/08/2020
Sự kiện hướng tới mục tiêu đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, loại bỏ các rào cản, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bổ nhiệm Kế toán trưởng
16:03'
Ngày 13/5, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Cương được bổ nhiệm giữ chức vụ Kế toán trưởng Vinachem.
-
Doanh nghiệp
Petrovietnam chủ động liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
14:46'
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang chủ động liên kết với các tập đoàn hàng đầu khu vực công - tư, tạo nên sức mạnh tổng hợp, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
-
Doanh nghiệp
Hơn 100 gian hàng quy tụ tại Tuần lễ Công nghệ số Bình Phước 2025
08:43'
Hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp quy tụ tại Tuần lễ Công nghệ số Bình Phước và Hội chợ Thương mại – Ẩm thực – Hàng tiêu dùng diễn ra từ ngày từ ngày 12 đến ngày 18/5 tại thành phố Đồng Xoài.
-
Doanh nghiệp
Các công ty dược phẩm loay hoay vượt khó
19:01' - 12/05/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cắt giảm 59% giá thuốc kê đơn nhưng không đưa ra thêm chi tiết về kế hoạch hạ giá thuốc trước sự kiện liên quan đến y tế dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng ngày 12/5.
-
Doanh nghiệp
Giá điện tăng ảnh hưởng thế nào đến giá bán phân bón?
16:21' - 12/05/2025
Với việc giá điện tăng từ ngày 10/5, giá thành sản xuất phân bón và giá phân bón bán ra trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các doanh nghiệp phân bón thuộc Vinachem.
-
Doanh nghiệp
Australia công nhận phân bón Cà Mau đạt chuẩn cao nhất về xuất khẩu
12:09' - 12/05/2025
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau vừa được Australia công nhận đạt chuẩn cao nhất về xuất khẩu thông qua việc cấp Chứng chỉ Level One (Cấp độ 1) cho xuất khẩu phân bón hàng rời.
-
Doanh nghiệp
Bảo hiểm Agribank hướng đến mục tiêu nâng cấp mô hình hoạt động lên Tổng công ty
11:42' - 12/05/2025
Đảng bộ Bảo hiểm Bảo hiểm Agribank đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện và hiệu quả trong mọi mặt hoạt động.
-
Doanh nghiệp
Vietnam Airlines ký hợp tác với Ngân hàng Ngoại thương Nga
11:23' - 12/05/2025
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm, Vietnam Airlines và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác.
-
Doanh nghiệp
OpenAI và Microsoft đàm phán lại thỏa thuận hợp tác hàng tỷ USD
08:59' - 12/05/2025
Tờ Financial Times ngày 11/5 đưa tin, OpenAI và Microsoft đang trong quá trình đàm phán lại các điều khoản trong thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD.