Lưu ý sử dụng thẻ tín dụng để tránh bị nợ quá hạn

16:36' - 15/03/2024
BNEWS Việc chậm thanh toán dư nợ tín dụng có thể dẫn tới những vấn đề bất cập cho cả ngân hàng và chủ thẻ.

Vài ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện Công văn nhắc nợ quá hạn do Công ty quản lý nợ của ngân hàng Eximbank gửi đến 1 khách hàng ở Quảng Ninh về khoản nợ thẻ tín dụng trị giá trên 8,83 tỉ đồng, trong khi nợ gốc chỉ khoảng hơn 8,55 triệu đồng.

Theo Truyền hình Thông tấn, ngân hàng Eximbank cho biết đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm.

Bnews sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ các bên về vụ việc

Một số lưu ý mà khách hàng cần lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng: 

Nợ thẻ tín dụng quá hạn là tình trạng khách hàng không hoàn trả lại cho ngân hàng số tiền đã sử dụng để chi tiêu trước đó khi đến ngày thanh toán.

Việc chậm thanh toán dư nợ tín dụng có thể dẫn tới những vấn đề bất cập cho cả ngân hàng và chủ thẻ.

Vấn đề gặp phải khi nợ thẻ tín dụng quá hạn 

Khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm và lãi suất cao, thậm chí là bị truy tố trách nhiệm pháp lý, ảnh hưởng đến uy tín tín dụng và khả năng vay vốn trong tương lai nếu nợ tín dụng quá hạn.

Chịu phí phạt và lãi suất lên tới 40% 

Khách hàng có nợ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất khoảng 20 - 40% tùy ngân hàng. Tùy vào tình trạng trễ hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng lãi suất khác nhau, cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 (nợ quá hạn trong vòng 60 - 70 ngày): Khoản dư nợ tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20 - 40%. Số dư nợ còn lại vẫn được tính lãi suất trong hạn.

Giai đoạn 2 (nợ quá hạn hơn 60 - 70 ngày):Toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn 20 - 40% và phí phạt trả chậm 5%.

Hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đang áp dụng lãi suất quá hạn bằng với lãi suất chậm trả để giúp khách hàng giải quyết tình trạng quá tải tài chính. Tuy nhiên, mức lãi suất trả chậm sẽ thay đổi theo chính sách từng thời kỳ của ngân hàng. 

Nhận thông tin cảnh báo và nhắc nhở thường xuyên từ ngân hàng 

Trong trường hợp khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ gửi thông báo nhắc nhở thường xuyên thông qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu về nguyên nhân và đề nghị chủ thẻ thanh toán nợ tín dụng.

Thậm chí, nếu khoản nợ của khách hàng quá hạn 6 tháng, ngân hàng có quyền khóa thẻ tín dụng của bạn. Do đó, khách hàng nên ưu tiên thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt, ít nhất là thanh toán dư nợ tối thiểu để không bị phạt trả chậm.

 

Phải chịu trách nhiệm pháp lý

Với các khoản nợ quá hạn, khách hàng phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình theo luật ngân hàng Việt Nam. Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện.

Tuy nhiên, ngân hàng thường rất khi áp dụng hình thức này mà thay vào đó, ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng trả nợ theo quy định của từng ngân hàng. Đồng thời, khi trường hợp này xảy ra, thông tin khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống CIC, bị cấm tham gia bất kỳ khoản vay nào khác tại ngân hàng.

Do đó, khách hàng nên ưu tiên mọi cách để trả nợ tín dụng càng sớm càng tốt, tránh phải chịu những trách nhiệm pháp lý ảnh hưởng tới bản thân.

Ảnh hưởng tới uy tín tín dụng cá nhân 

Nợ thẻ tín dụng quá hạn sẽ gây ảnh hưởng xấu tới lịch sử tín dụng và uy tín tài chính cá nhân. Điều này sẽ khiến khách hàng khó được tiếp tục vay vốn hoặc mở thẻ tín dụng mới trong tương lai.

Cụ thể, theo quy định của đa số ngân hàng, khách hàng đang có nợ quá hạn sẽ không thể mở thêm thẻ tín dụng, cho đến khi thanh toán hết dư nợ. Khách hàng có lịch sử nợ xấu từ nhóm 3 trở lên thì sẽ không thể mở thêm bất kỳ chiếc thẻ tín dụng nào trong tương lai.

Bên cạnh đó, cho dù đã thanh toán dư nợ xong nhưng lịch sử đã vướng nợ xấu thì khách hàng sẽ mất từ 2 - 5 năm để xây dựng lại điểm tín dụng, sau đó mới có thể tiến hành vay vốn ngân hàng. Trong khoảng thời gian xây dựng tín dụng, khách hàng cũng sẽ bị hạn chế tham gia tất cả các khoản vay tại các ngân hàng và công ty tài chính.

Giải pháp khắc phục và hạn chế nợ thẻ tín dụng quá hạn

Hiện nay, ngân hàng đã phát hành nhiều chính sách thanh toán tạo điều kiện tối đa nhằm giúp khách hàng hoàn trả dư nợ tín dụng nhanh chóng. Khách hàng có thể tận dụng điều đó để giảm áp lực trả nợ cho bản thân, cụ thể như sau.

Liên hệ trả góp dư nợ nếu không đủ khả năng tài chính 

Trong trường hợp không đủ tài chính để thanh toán nợ tín dụng quá hạn, khách hàng có thể đến ngân hàng để xin được hỗ trợ trả góp nợ.

Căn cứ theo điều 19 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và điều 7 của Thông tư 57/2019/TT-BTC có quy định về các đối tượng được xem xét hỗ trợ trả nợ, cụ thể:

Khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và tiền lãi đúng hạn như thỏa thuận ban đầu nhưng được ngân hàng đánh giá là vẫn có khả năng thanh toán dư nợ.

Khách hàng bị thiệt hại tài chính do các lý do khách quan như thiên tai, dịch bệnh, tuyên bố phá sản…

Khách hàng có khoản nợ xấu từ nhóm 3 tới nhóm 5 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Nếu thuộc các trường hợp trên, ngân hàng sẽ xem xét dựa trên đề nghị của khách hàng và chính sách của ngân hàng để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất.

Tuy nhiên, quy định về điều kiện và đối tượng hỗ trợ của từng ngân hàng có thể sẽ khác nhau nên khách hàng cần đến trực tiếp ngân hàng để trao đổi về các quy định liên quan.

Nếu khách hàng được duyệt trả góp nợ thì sẽ cần chuẩn bị thủ tục theo hướng dẫn của ngân hàng mở thẻ nhưng nhìn chung sẽ có một số giấy tờ cơ bản sau đây:

Đơn xin gia hạn trả góp dư nợ theo biểu mẫu riêng của ngân hàng.

Phương án kế hoạch trả nợ.

Các loại giấy tờ cá nhân như CMND/ CCCD, sổ hộ khẩu…

Giấy tờ chứng minh gặp các rủi ro liên quan đến các trường hợp khách quan nêu trên.

Tóm lại, đối với các khoản nợ không quá lớn, các ngân hàng thường sẽ chọn cách đồng ý cho người vay nợ trả góp dư nợ tín dụng để giảm thiểu sự rắc rối trong quá trình kiện tụng. Tuy nhiên, nợ quá hạn sẽ vẫn ảnh hưởng rất lớn tới uy tín tín dụng cá nhân cho các khoản vay tương lai.

Nhanh chóng trả nợ tín dụng nếu có khả năng tài chính 

Mặc dù ngân hàng có chính sách hỗ trợ trả góp tín dụng nhưng đó không phải là phương pháp tối ưu nhất. Phương pháp này chỉ giúp khách hàng kéo dài và chia nhỏ số dư nợ tín dụng vay từ ngân hàng. 

Khách hàng nên trả hết 1 lần toàn bộ dư nợ, phí phạt và lãi suất cho ngân hàng. Bởi nếu chỉ thanh toán một khoản nhỏ thì số nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất 20 - 40%/năm. Trong trường hợp số nợ đó lại trễ hạn trong kỳ sao kê tiếp theo thì sẽ phát sinh phí phạt và lãi suất mới.

Do đó, tốt hơn hết là khách hàng nên tìm cách thanh toán toàn bộ nợ gốc và tiền lãi quá hạn càng sớm càng tốt. Khách hàng có thể tùy chọn cách thanh toán thẻ tín dụng thuận tiện và phù hợp với bản thân nhưng cần tìm hiểu kỹ các bước thanh toán dư nợ thẻ tín dụng để thực hiện nhanh chóng và dễ dàng.

Sau khi hoàn tất thanh toán toàn bộ dư nợ quá hạn, khách hàng cần tiến hành xây dựng và tích lũy lại uy tín tín dụng từ đầu để tăng tỷ lệ được duyệt với các nhu cầu vay vốn sau này.

Để tránh nợ thẻ tín dụng quá hạn khi dùng: 

Đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động (trích nợ tự động) để không bị quên hoặc trễ hạn thanh toán mỗi tháng.

Thiết lập thông báo thanh toán bằng văn bản hoặc email để luôn được nhắc thanh toán đúng hạn. 

Tự chọn 1 ngày cố định thanh toán trong tháng để dễ ghi nhớ hơn, tránh trường hợp quên ngày gây trễ hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục