LVMH thắng lớn khi nhu cầu mua hàng cao cấp tăng mạnh

12:55' - 28/01/2022
BNEWS Tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH nhận thấy nhu cầu về thời trang, túi xách và đồ trang sức của họ tiếp tục tăng vọt vào năm 2022, khi người dân đẩy mạnh mua sắm đồ cao cấp trong mùa lễ hội.

Biểu tượng của tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ LVMH. Ảnh: Reuters

LVMH, sở hữu các thương hiệu xa xỉ từ rượu cognac Hennessy cho tới nhà bán lẻ mỹ phẩm Sephora, cho biết doanh thu quý IV/2021 của tập đoàn này đã tăng trưởng ấn tượng, đạt 20,04 tỷ euro (22,34 tỷ USD), trong đó dẫn đầu là những thương hiệu “gà đẻ trứng vàng” như Louis Vuitton và Dior.
 

Các nhãn hiệu xa xỉ đã thúc đẩy doanh thu của mảng kinh doanh thời trang và đồ da của LVMH với mức tăng 28% trong quý IV/2021, vượt qua dự báo tăng trưởng 16% của các nhà phân tích. Doanh thu của mảng kinh doanh này trong ba tháng cuối năm 2021 cao hơn 51% so với năm 2019, mức trước đại dịch.

Tất cả các mảng kinh doanh của LVMH đều tăng trưởng hai con số trong quý IV vừa qua, do người tiêu dùng đổ xô đến các cửa hàng để mua sắm vào dịp lễ vào cuối năm .

Christopher Rossbach, người quản lý của World Stars Global, cho biết: "Sau kết quả kinh doanh mạnh mẽ hơn dự kiến từ các đối thủ cạnh tranh như Burberry, Prada và Richemont hồi đầu tháng. Báo cáo kinh doanh của LVMH đã không làm thị trường thất vọng”.

Bên cạnh doanh số bán hàng bùng nổ ở châu Á, LVMH cho hay, Mỹ là thị trường  có doanh số bán hàng mạnh mẽ nhất, chiếm 26% tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm 2021. Điều đó giúp củng cố niềm tin vào triển vọng kinh doanh của LVMH trong năm nay, đặc biệt là kể từ khi tập đoàn này mua lại hãng trang sức Tiffany.

Chủ tịch LVMH, tỷ phú Bernard Arnault, cho biết, động lực mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn này sẽ còn duy trì trong tháng 1/2022, đồng thời cảnh báo LVMH có thể tăng giá các sản phẩm để bảo vệ biên lợi nhuận trong môi trường lạm phát cao hiện nay.

Ngành công nghiệp xa xỉ phẩm đã phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng COVID-19, do nhu cầu của người tiêu dùng bị dồn nén sau nhiều tháng nền kinh tế ngừng hoạt động và nhiều cửa hàng bị đóng cửa.

LVMH đã khai thác nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao cấp này và giành được vị thế trước các đối thủ bằng các chiến dịch tiếp thị tích cực nhắm vào người tiêu dùng địa phương thay vì dựa vào nguồn khách du lịch. Theo dự báo của UBS, thị phần kinh doanh thời trang và đồ da của tập đoàn đã tăng lên khoảng 21%, so với mức 16% trước đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục