Lý do các doanh nghiệp Trung Quốc rời khỏi Sàn Giao dịch chứng khoán New York

05:30' - 20/08/2022
BNEWS 5 công ty Trung Quốc thông báo rằng họ có ý định rút khỏi Sàn Giao dịch chứng khoán New York, do không chịu được áp lực từ các cơ quan tài chính Mỹ từ vài tháng nay.

Bình luận về động thái rút khỏi "sân chơi" chứng khoán New York (Mỹ) của một số doanh nghiệp Trung Quốc vào cuối tuần qua, nhật báo Les Echos cho biết từ vài tháng trở lại đây, quy định của Mỹ đối với các công ty niêm yết trên Phố Wall đã trở nên nghiêm ngặt hơn. 
Bước ngoặt này đã gây áp lực mạnh mẽ lên một số công ty Trung Quốc, khiến họ phải miễn cưỡng công bố đóng tài khoản ở nước ngoài. Động thái này cũng cho thấy bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa thể thu hẹp. 
"Cuộc chiến" về quy định giữa các công ty Trung Quốc và Phố Wall đang khiến một số đối tượng trở thành nạn nhân mới. 5 công ty Trung Quốc thông báo rằng họ có ý định rút khỏi Sàn Giao dịch chứng khoán New York, do không chịu được áp lực từ các cơ quan tài chính Mỹ từ vài tháng nay. 
Các công ty này đại diện cho hơn 300 tỷ USD niêm yết trong danh sách của Phố Wall. Đó là PetroChina, chi nhánh niêm yết của tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc, và Sinopec, một tập đoàn dầu khí lớn khác.

Bên cạnh đó còn có cả công ty con của Sinopec ở Thượng Hải (Sinopec Shanghai Petrochemical Co), tập đoàn bảo hiểm nhân thọ khổng lồ của Trung Quốc (China Life Insurance) và Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Chalco”. 
Kể từ khi có quy định mới vào tháng 12/2020 về nghĩa vụ công bố kết quả kiểm toán đối với các công ty niêm yết ở Sàn Giao dịch chứng khoán New York, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đã căng thẳng, giờ trở nên trầm trọng hơn. 

Thông báo về việc rút khỏi Sàn Giao dịch chứng khoán New York nêu bật sự phản đối của Trung Quốc đối với việc phải tiết lộ tài khoản của một số công ty của họ, đồng thời Trung Quốc cũng tiếp nhận một cách thận trọng các quy định xuyên Thái Bình Dương đối với các công ty khác của họ ở Phố Wall. 
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), cơ quan giám sát thị trường tài chính ở Mỹ, cho biết kể từ nay các công ty niêm yết tại Sàn Giao dịch chứng khoán New York bắt buộc phải công bố các tài khoản được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập được chính phủ công nhận (PCAOB). Các công ty không chấp hành quy định này có nguy cơ bị xóa khỏi Phố Wall vào năm 2024. 
Các tập đoàn Trung Quốc được niêm yết ở Sàn Giao dịch chứng khoán New York là những công ty đầu tiên lọt vào "tầm ngắm" của SEC, vì theo truyền thống, họ không công bố kết quả kiểm toán của mình.

5 doanh nghiệp nói trên đã phản đối trong khi các công ty khác ở Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã miễn cưỡng thực hiện. Thêm vào đó, vụ bê  bối về số liệu doanh thu năm 2020 của chuỗi cửa hàng cà phê Luckin của Trung Quốc cũng đẩy cường quốc lớn thứ hai thế giới vào tâm điểm gian lận. 
Tháng Tư năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện thiện chí bằng cách mở đường cho một cơ chế hợp tác khả thi giữa các kiểm toán viên Trung Quốc và nước ngoài nhằm giảm bớt căng thẳng.

Trên thực tế, quy định này không đe dọa gần 300 công ty đến từ Trung Quốc và Hong Kong, được niêm yết trên Sàn chứng khoán New York, với giá trị tương đương hơn 2.000 tỷ USD. 
Tuy nhiên, 5 công ty đã tuyên bố rời khỏi Phố Wall nằm trong danh sách các tập đoàn có thể bị hủy niêm yết trong vòng hai năm, bao gồm cả những "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba và Baidu. 
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) giải thích rằng các công ty này đã “tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc và quy định có liên quan của Mỹ kể từ khi niêm yết trên thị trường nước này”. Đại diện Ủy ban nói trên khẳng định : “Quyết định rút khỏi cuộc chơi này được đưa ra dựa trên các cân nhắc thương mại". 
Trong khi Trung Quốc từ lâu đã khuyến khích các công ty của mình niêm yết ở nước ngoài, thì những năm gần đây nước này lại thận trọng hơn rất nhiều về các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được thực hiện tại Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc lại khuyến khích các tập đoàn chủ lực của nước này, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược, tự niêm yết trên "sân nhà". 
Ví dụ điển hình nhất là "gã khổng lồ" VTC Didi của Trung Quốc. Khi tập đoàn được niêm yết trên Phố Wall vào năm ngoái, giới chức Mỹ đã liên tục gây khó cho tập đoàn này, với đỉnh điểm là khoản tiền phạt 1,5 tỷ USD vào tháng Bảy. Sau đó Didi đã rút khỏi Phố Wall để chuyển hướng sang Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. 
Năm ngoái, Sở Giao dịch chứng khoán New York cũng đã loại China Mobile, China Telecom Corp và China Unicom Hong Kong với lý do liên quan tới quân đội Trung Quốc./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục