Lý do doanh nghiệp Hàn Quốc ngần ngại đầu tư vào Trung Quốc

05:30' - 07/06/2021
BNEWS Các doanh nghiệp Hàn Quốc dường như không muốn mở rộng hoạt động đầu tư vào thị trường láng giềng Trung Quốc mặc dù nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vừa công bố mức tăng trưởng kỷ lục 18,3%.

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) đăng bài phân tích, trong đó nhận định các doanh nghiệp Hàn Quốc dường như không muốn mở rộng hoạt động đầu tư vào thị trường láng giềng Trung Quốc, mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa công bố mức tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý I/2021 (so với cùng kỳ năm 2020).

Theo nhận định của các chuyên gia sở tại, lý do cơ bản được cho là các nhà đầu tư Hàn Quốc lo ngại về tác động của cuộc đụng độ Mỹ-Trung (đặc biệt là động thái do Washington dẫn đầu nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Bắc Kinh ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu) có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp nếu họ đầu tư vào Trung Quốc.

Họ cũng lưu ý thêm rằng hiện có nhiều doanh nghiệp ở Hàn Quốc đang cảnh giác với đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc (vốn được coi là "đang diễn ra"), đề cập đến các hành động của Bắc Kinh nhằm đáp trả việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hồi năm 2017.

Mặc dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng những tranh cãi liên quan đến THAAD đã được giải quyết ổn thỏa.

Jun Bo-hee, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về các thị trường mới nổi thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), nhận định: "Căng thẳng Mỹ-Trung về chính trị và kinh tế dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong dài hạn và cũng là hợp lý nếu nói rằng vấn đề này khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lưỡng lự khi tính đến việc đầu tư vào Trung Quốc".

Đề cập đến mức tăng trưởng kinh tế hàng năm cao kỷ lục của Trung Quốc trong quý I/2021 vừa qua, nhà nghiên cứu Jun Bo-hee cho rằng điều này dường như đã được "cường điệu hóa" bởi nền kinh tế của nước này đã giảm 6,8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3/2020, thời điểm virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán và sau đó lan rộng ra toàn thế giới.

Phát biểu với điều kiện giấu tên, một chuyên gia nghiên cứu thuộc tổ chức tư vấn trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc cho biết: "Bài học từ THAAD là mối đe dọa hiện hữu đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đã, đang và sẽ có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc".

Có thể nói, những thiệt hại mà các doanh nghiệp Hàn Quốc phải hứng chịu vẫn còn hiện hữu. Điển hình là công ty Hyundai Motor (Hàn Quốc) đã phải lên kế hoạch bán tháo nhà máy đầu tiên xây dựng tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Công ty này đã tạm ngừng hoạt động của nhà máy đó kể từ năm 2019.

Bên cạnh đó, "gã khổng lồ" bán lẻ Lotte (Hàn Quốc) cũng được coi là nạn nhân lớn nhất khi chịu thua lỗ lên đến hàng tỷ won và phải đóng cửa tất cả các đơn vị thuộc chuỗi cửa hàng bán lẻ "Lotte Mart" ở Trung Quốc, sau khi THAAD được triển khai lắp đặt trên một sân golf do tập đoàn này sở hữu trước đó.

Nhà nghiên cứu Yeon Won-ho của Bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP) cho rằng việc các quốc gia riêng lẻ tiến tới "tự cung tự cấp" trong chuỗi cung ứng là một lý do khác khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc tránh đầu tư vào Trung Quốc.

Ông lưu ý thêm rằng nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguồn cung từ Trung Quốc đã phải vật lộn để tồn tại khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái. Vì vậy, "các doanh nghiệp Hàn Quốc cần phải nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư đa dạng, chẳng hạn như mở rộng kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á thay vì Trung Quốc hoặc thậm chí đưa hoạt động sản xuất về trong nước".

Một chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn đầu cũng có thể làm phức tạp thêm vấn đề xuất xứ hàng hóa đối với các mặt hàng do các công ty Hàn Quốc sản xuất tại Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Yeon Won-ho kết luận: "Một trong những điểm chính của chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ dẫn dắt là khuyến khích các công ty sản xuất hàng hóa ở Mỹ. Do đó, hàng hóa của Hàn Quốc được sản xuất tại Trung Quốc sẽ có thể trở thành một vấn đề tranh chấp mới"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục