Lý do khiến Nhật Bản phải điều chỉnh hệ thống tiếp nhận thực tập sinh

05:30' - 21/04/2023
BNEWS Tờ Nikkei Asia vừa đăng bài phân tích của tác giả Eugene Lang về lý do khiến Nhật Bản muốn xóa bỏ hệ thống tiếp nhận thực tập sinh.

Theo bài viết này, một hội đồng chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản vừa đề xuất bãi bỏ chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng cho lao động nước ngoài. Đề xuất này dự kiến sẽ khiến Chính phủ Nhật Bản xem xét một hệ thống mới để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Một loạt đề xuất được hội thảo đưa ra vào đầu tháng này bao gồm việc nới lỏng các hạn chế liên quan tới vấn đề chuyển việc, vốn được coi là nguyên nhân khiến hàng ngàn thực tập sinh trốn khỏi nơi làm việc ban đầu, nhưng hội đồng trên chưa đưa ra các giải pháp cụ thể cho vấn đề đó. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu Chính phủ Nhật Bản có thể khắc phục các vấn đề còn tồn tại trong một chương trình đã không thay đổi trong suốt 30 năm kể từ khi nó bắt đầu được triển khai vào năm 1993.

Theo chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng, vốn được xây dựng để đóng góp vào sự phát triển của các nước đang phát triển, người lao động nước ngoài được phép ở lại tới 5 năm để học các kỹ năng và công nghệ thông qua đào tạo tại chỗ. Tuy nhiên, chương trình này đã tạo ra kẽ hở để các doanh nghiệp bù đắp cho tình trạng thiếu lao động ở trong nước. Chương trình này mang lại lợi ích cho các công ty tiếp nhận bởi vì, họ có thể thuê những nhân công trẻ, không có kỹ năng với mức lương thấp so với Nhật Bản, nhưng có thể vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với mức lương ở các nước đang phát triển.

Kết quả là tính đến cuối năm 2022, Nhật Bản đã tiếp nhận 325.000 thực tập sinh, tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước đó, chiếm gần 20% trong số 1,82 triệu lao động nước ngoài ở Nhật Bản. Những thực tập sinh này đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong các ngành công nghiệp của nước này. Khi sự hiện diện của họ tăng lên, khoảng cách giữa lý tưởng của chương trình và thực tế trở nên rõ ràng hơn.

Cũng có một số quan ngại rằng lợi thế của chương trình về tiền lương sẽ giảm dần. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản ước tính đến năm 2032, tiền lương của các công nhân ở Việt Nam, Indonesia và ba quốc gia khác sẽ tăng lên tương đương hơn 50% so với mức lương mà thực tập sinh kiếm được theo chương trình trên. Khi đó, lợi thế của Nhật Bản về tiền lương có thể suy giảm dần.

Với việc chương trình hiện nay có thể sẽ được xem xét lại, trong một dự thảo báo cáo tạm thời, hội đồng chuyên gia cho rằng Chính phủ Nhật Bản cần bổ sung thêm mục đích "tuyển dụng nhân lực" vào danh sách các mục đích của chương trình và xem xét thiết lập một hệ thống mới để thay thế hệ thống hiện có.

Một vấn đề đáng lo ngại với chương trình là một số lượng lớn thực tập sinh đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Theo ISAJ, năm 2021, có 7.167 thực tập sinh đã bỏ trốn.

Đằng sau sự biến mất của các thực tập sinh là quy định cấm họ chuyển việc trong ba năm đầu tiên. Mặc dù việc chuyển việc được cho phép trong những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, nhưng rất khó chứng minh những vi phạm đó.

Ông Yoshihisa Saito, Phó Giáo sư tại Đại học Kobe, nói: "Thay đổi công việc một cách hợp pháp rất khó. Nếu thực tập sinh bị quấy rối tình dục và 'quấy rối bằng quyền lực' hoặc không được trả lương, họ chỉ có hai lựa chọn: chịu đựng hoặc bỏ trốn để tìm 'công việc bất hợp pháp'".

Trong bối cảnh đó, dự thảo báo cáo của hội đồng chuyên gia kêu gọi nới lỏng các hạn chế trong việc thay đổi công việc để cho phép người lao động nước ngoài chuyển việc trong các ngành được chỉ định. Tuy nhiên, việc cho phép chuyển việc cũng đồng nghĩa với sự gia tăng về nguy cơ mất lao động.

Theo dự kiến, hội đồng chuyên gia sẽ soạn thảo báo cáo cuối cùng vào mùa Thu này trong bối cảnh dư luận rất quan tâm tới việc nới lỏng các hạn chế đối với vấn đề chuyển việc và liệu nó có thể mở đường cho việc thu hút nhiều lao động nước ngoài hơn hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục