Lý do Tổng thống Donald Trump hướng tới đàm phán thương mại song phương

13:45' - 12/03/2017
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang tìm kiếm hướng đi khác thay cho chính sách tự do thương mại đa phương, mà theo ông, đang làm nước Mỹ yếu đi.
Tổng thống Mỹ chính thức ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định TPP vào ngày 23/1. Ảnh: EPA/TTXVN

Giới quan sát cho rằng Tổng thống Donald Trump tin rằng Mỹ sẽ có lợi thế hơn khi đàm phán song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, đồng thời khẳng định những chính sách tự do thương mại đa phương trước đây chỉ làm nước Mỹ yếu đi.

Chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết giữa 12 quốc gia. Hiệp định này được đàm phán dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Tiếp đó, ông Trump liên tục công kích Mexico bằng việc đưa ra ý tưởng áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ để buộc Mexico trả tiền xây bức tường ngăn biên giới giữa hai nước.

Trong khi đó, đại diện thương mại Mỹ Peter Navarro cáo buộc Đức dùng đồng euro làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và các quốc gia còn lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị cáo buộc thao túng tiền tệ và làm tràn ngập thị trường Mỹ với hàng hóa xuất khẩu giá rẻ.

Ông Trump chỉ trích TPP và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với mục đích đàm phán lại các điều ước quốc tế và thỏa thuận thương mại theo hướng có lợi hơn cho các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ.

Các chính sách bảo hộ thương mại bằng thuế của ông Trump chủ yếu để ép đối tác thương mại nhượng bộ khi Mỹ đàm phán lại các thỏa thuận cũ và ký kết các thỏa thuận mới.

Sự công kích của ông Trump nhằm vào các thỏa thuận thương mại tự do làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, câu trả lời có lẽ là không.

Nhóm bốn đối tác lớn nhất của Mỹ, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, có 1000-2000 tỷ USD kim ngạch thương mại với Mỹ mỗi năm. Thương mại Mỹ-Trung hàng năm đạt 500 tỷ USD.

Đây cũng là những quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ lớn nhất. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 360 tỷ USD, với Nhật Bản là gần 80 tỷ USD, với Đức và Mexico là khoảng 60-70 tỷ USD.

Có ý kiến cho rằng với lợi ích từ việc giao thương với Mỹ, các quốc gia này rồi cũng sẽ đồng ý đàm phán lại các điều ước quốc tế và hiệp định thương mại hiện có.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập đến khả năng thương lượng hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ tại phiên họp của Ủy ban Ngân sách thuộc Hạ viện Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Hướng tới thỏa thuận tự do thương mại song phương, các quan chức cấp cao của Mỹ lộ rõ ý định mang lợi nhuận về cho nước Mỹ bằng cách hy sinh lợi ích của các đối tác thương mại. Đây không phải lần đầu Mỹ làm như vậy.

Vào năm 1985 và 1986, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ bị “lép vế” so với châu Âu và Nhật Bản. Mỹ đã ép Nhật Bản đàm phán và ký kết Hiệp ước Plaza. Khi đó, Nhật Bản buộc phải nhượng bộ Mỹ. Điều tương tự cũng xảy ra với châu Âu khi ký Thỏa ước Louvre với Mỹ.

Ký kết Plaza và Louvre là cách Mỹ “trút giận” lên các đối tác thương mại lớn khi không đạt được lợi ích như mong muốn từ Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT).

Nhóm cố vấn của Tổng thống Reagan do Bộ trưởng Ngân khố Mỹ James Baker đứng đầu đã quyết định từ bỏ GATT - một hiệp định thương mại đa phương giữa các thực thể kinh tế độc lập hướng tới mục tiêu mở rộng thương mại quốc tế, nhằm nâng cao phúc lợi của thế giới.

Hiệp ước Plaza và Lourve đem đến kết cục tốt đẹp cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là các công ty đa quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, chúng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của ngành ngân hàng trong đầu những năm 1990 tại châu Âu và Nhật Bản.

Đối với bộ tứ đối tác thương mại lớn nhất, việc Mỹ thay đổi chiến lược thương mại đem lại kết quả không mấy tốt đẹp.

Hiện nay, 8% hàng hóa xuất khẩu của Mexico được chuyển đến Mỹ và 30% GDP của nước này xuất phát từ thương mại với Mỹ. Đồng peso Mexico có thể tiếp tục giảm giá, nhập khẩu lạm phát tăng và chất lượng cuộc sống giảm.

Ngân hàng trung ương Mexico sẽ tăng lãi suất nhằm tránh tình trạng ồ ạt rút vốn đầu tư ra khỏi thị trường, khiến nhiều người đứng trước nguy cơ mất việc.

Về phía châu Âu, chiến lược thương mại mới của Mỹ tạo thêm động lực để Anh đẩy nhanh quá trình ra khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), đồng thời hợp pháp hóa việc rút khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) của những quốc gia còn lại.

Ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp Marine Le Pen trong một buổi tham luận ở Puteaux, gần Paris ngày 6/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau Anh, Pháp có thể là nước tiếp theo rời khỏi EU nếu đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Các cuộc thăm dò cho thấy ứng viên Marine Le Pen là một trong những nhân vật sáng giá cho vị trí Tổng thống Pháp sắp tới. Bà là chính trị gia Pháp duy nhất ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định sau quyết định thay đổi chiến lược thương mại của Mỹ, kinh tế toàn cầu sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại. Để chuyển sang thương mại song phương, Mỹ cần có thêm thời gian.

Sự không chắc chắn cùng với những phản ứng trái ngược sẽ làm thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn. Mục đích cuối cùng của tổng thống là khôi phục nền kinh tế Mỹ, mặc dù vậy, bối cảnh ngày nay khác rất nhiều so với những năm 1985, do đó Mỹ có thể sẽ không thành công như mong muốn.

Xem thêm:

>> Canada phản đối kế hoạch điều chỉnh thuế biên giới của Mỹ

>> Chuyên gia: Thâm hụt thương mại có thể cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục