Mách bạn cách bảo quản mứt dừa không bị chảy nước

21:17' - 22/01/2017
BNEWS Mứt dừa là món ăn khá quen thuộc khi Tết đến. Nhưng bảo quản sao cho mứt dừa được thơm ngon và không bị chảy nước thì không phải ai cũng biết.
Cách bảo quản mứt dừa không bị chảy nước. Ảnh: BepGiaDinh.com

Mứt dừa lâu nay là một món ngon không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc. Những năm gần đây, khá nhiều chị em tự tay làm món mứt này để thiết đãi gia đình và khách khứa khi Tết đến. 
Cách làm mứt dừa không khó, tuy nhiên, do được phủ lớp bên ngoài là lớp đường mỏng mịn nên làm sao để mứt dừa không bị chảy nước thì không phải ai cũng biết.
Đối với mứt dừa sợi truyền thống, sau khi nạo mỏng dừa, bạn hãy rửa thật nhiều lần cho đến khi nước rửa dừa có màu trong sẽ giúp giảm dầu trong dừa, tránh bị chảy nước sau này.
Phương pháp khác nhanh và sạch dầu hơn là chần dừa trong nước sôi với chút muối khoảng 1 phút. 
Dừa đã sạch cần để ráo nước ở nơi thoáng mát, có thể xóc lên hoặc dùng đũa đảo qua. Nên để dừa thật khô mới ngâm đường để giảm bớt lượng nước mà dừa phải ngậm. 
Một bí quyết nhỏ mà các bà nội trợ vẫn truyền tai nhau, đó là khi ướp đường, nếu bạn sử dụng cùi dừa non thì nên ngâm đường lâu hơn một chút so với loại dừa già  để cho nước trong cùi tiết ra nhiều hơn, khi sên mứt sẽ khô ráo và bảo quản lâu hơn.
Sên mứt là công đoạn quan trọng nhất trong cách làm mứt dừa không bị chảy nước. Dùng chảo to, đáy rộng và dày để sên mứt không dính.
Mỗi mẻ sên một lượng dừa vừa phải, ban đầu đun lửa to, khi nước đường sôi lên thì hạ lửa và đun liu riu. Làm như vậy mứt không bị cháy mà lượng nước trong dừa sẽ rút ra hết.
Khi dừa đã thành phẩm, bạn cần cho ra khay đựng và để thật nguội mới đem đi cất nhé. Bạn nhớ tãi đều ra cho mứt nguội và hong trước quạt cho mứt khô hơn hoặc cho vào lò sấy, sấy ở nhiệt độ 100 độ C cho mứt dừa khô hẳn. 
Bước này khá đơn giản tuy nhiên chỉ cần chút nóng vội, thì việc cất mứt sớm trước khi nguội sẽ làm mứt dừa nhanh chảy nước và mất vị ngon. Nếu phơi khô từ 1-2 tiếng nữa thì mứt sẽ săn lại và trắng hơn bạn nhé.
Bảo quản mứt dừa trong các túi nilon hoặc là hũ kín. Tốt nhất bạn nên bảo quản trong hũ thủy tinh kín khí. 
Khi bảo quản trong lọ đựng, bạn nên cho vào trong đó 1 lớp đường mỏng. Lớp đường sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt, sẽ giúp bảo quản mứt lâu hơn.
Ngoài ra, mách nhỏ các bạn là khi mứt xuất hiện dấu hiệu chảy nước, đừng vội bỏ đi, cho vào chảo đảo kĩ lại và phơi khô sẽ dùng được tiếp đấy. 
Lưu ý để lửa nhỏ và đảo đều tay, khi chảo nóng quá tắt bếp đi rồi đảo tiếp đến khi nguội hẳn thì bật lại, cứ như vậy 2-3 lần là được.
Hoặc bạn có thể bỏ dừa lên mâm, đun nồi nước phía dưới, đặt mâm lên trên, hong 1 lúc thì đảo dừa. Làm như vậy, dừa không bị cháy mà vẫn khô ráo lại như ban đầu.
Tương tự như mứt dừa, cách bảo quản này bạn có thể sử dụng với nhiều loại mứt khác như: mứt gừng, mứt bí...

Tại sao khi sên mứt dừa, sên mãi đường cứ bị keo lại không kết tinh được?
Đó là do để lửa lo ngay từ đầu, nên đường bị cháy thành kẹo không kết tinh được. Vì vậy, khi làm mứt, nguyên tắc là lửa vừa và nhỏ dần và tỉ lệ với việc tay đảo nhiều hơn khi càng về sau.
Hoặc cũng có thể bạn cho ít đường quá cũng làm cho mứt không kết tinh được.
Nếu mứt của bạn bị hỏng, bạn có thể rửa lớp đường keo đó đi, tiếp tục ngâm đường và sên lại.

>> Mẹo giữ hoa tươi suốt 9 ngày Tết

>> 8 lời khuyên để mua sắm Tết tiết kiệm mà vẫn đủ đầy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục