Malaysia đưa ra định hướng cho 8 mặt hàng chủ chốt

09:54' - 11/03/2022
BNEWS Chính sách Hàng hóa Quốc gia 2021-2030 (DAKN 2030) mới công bố của Malaysia đã vạch ra định hướng cho 8 mặt hàng bao gồm dầu cọ, cao su, gỗ, ca cao, hạt tiêu, kenaf, sinh khối và nhiên liệu sinh học.

Bộ trưởng Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, Datuk Zuraida Kamaruddin, cho biết, DAKN 2030 là sự tiếp nối của của Chính sách Hàng hóa Quốc gia 2011-2020, được xây dựng dựa trên chương trình nghị sự quốc gia, bao gồm Tầm nhìn Thịnh vượng Chung 2030, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 và Kế hoạch Vật chất Quốc gia thứ ba. Chính sách này dựa trên 5 trụ cột cốt lõi, bao gồm tính bền vững, năng suất, giá trị, phát triển thị trường và tính toàn diện.

 

Phát biểu trước báo giới khi ra mắt DAKN 2030, Bộ trưởng Zuraida cho biết, chính sách được phát triển để đảm bảo tất cả các cơ quan thuộc Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa có cùng định hướng dựa trên 5 trụ cột khi tiến hành triển khai các hoạt động phụ trách. Trong số các mục tiêu của DAKN 2030, có việc tăng cường sáng tạo ý tưởng về mặt công nghệ, mở rộng thị trường và thúc đẩy hơn nữa năng suất dựa trên 5 trụ cột.

DAKN 2030 được phát triển để đảm bảo lĩnh vực này sẽ được thúc đẩy hơn nữa và đóng góp nhiều hơn vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và doanh thu xuất khẩu. Đóng góp của lĩnh vực hàng hóa vào GDP đã tăng từ 76,2 tỷ RM vào năm 2010 lên 84,3 tỷ RM vào năm 2021.

Bà Zuraida cho biết thêm, DAKN 2030 được kỳ vọng sẽ giảm khoảng cách thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Sự đóng góp của lĩnh vực hàng hóa nông sản đối với sự phát triển kinh tế xã hội của người dân trong thập kỷ qua đã được chứng minh, khi nó trở thành nguồn thu nhập của gần 1,3 triệu hộ nông dân và cung cấp việc làm cho gần 1 triệu người Malaysia.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng đã thể hiện những thành tựu đáng khích lệ ở cấp độ quốc tế, bao gồm việc trở thành nhà xuất khẩu găng tay cao su lớn nhất thế giới và nhà xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 2 sau Indonesia.

Bà nói: “Mức tăng trưởng 6,1% đánh dấu một khởi đầu tốt trong nỗ lực của chính phủ nhằm bảo vệ hạnh phúc của các hộ nông dân nhỏ và các doanh nghiệp khác trong ngành.

Dự kiến vào giữa năm nay, Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia sẽ tổ chức Hội chợ và Hội nghị thượng đỉnh Hàng hóa Quốc tế Malaysia (MiACEs), nơi quy tụ tất cả các ngành hàng nông sản của Malaysia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục