Malaysia hạ mức trần sở hữu bất động sản với người nước ngoài

22:08' - 22/10/2019
BNEWS Trong dự thảo Ngân sách 2020 của Malaysia, mức trần sở hữu bất động sản dành cho người nước ngoài đã hạ từ 1 triệu ringgit (hơn 240.000 USD) xuống 600.000 ringgit (145.000 USD).

Theo Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng, quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2020. 

Mặc dù vậy, có một vài con số có thể lý giải cho quyết định có phần sốc này. Theo thống kê của Trung  tâm Thông tin Tài sản Quốc gia (Napic), hiện có ít nhất 3.938 căn hộ với tổng trị giá lên tới 4,85 tỷ ringgit (gần 1,7 tỷ USD) có thể cung cấp cho người nước ngoài.

Báo cáo của Napic cũng cho thấy phần dư thừa của hai loại bất động sản cao tầng là căn hộ dịch vụ cùng Soho (văn phòng nhỏ và văn phòng nhà ở) lên tới 19.856 đơn vị với tổng trị giá 15,33 tỷ ringgit (gần 3,7 tỷ USD).

Theo người phát ngôn Bộ Tài chính Malaysia, mức trần đối với người nước ngoài được mua bất động sản tại nước này tuân theo tuyên bố ngày 13/10 của ông Lim Guan Eng.

Điều này có nghĩa là Dự thảo ngân sách chỉ đề cập tới những căn hộ tập thể, nhà chung cư tồn kho, hoặc có thêm căn hộ dịch vụ cùng Soho .

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Nhà và Bất động sản (Rehda) Soam Heng Choon lại cho rằng Ngân sách 2020 bao gồm cả chung cư cao tầng, căn hộ dịch vụ và Soho.

Song ông Soam nói rằng bất chấp dự thảo Ngân sách,  các cơ quan Chính phủ vẫn có quyền đặt giá trần đối với người nước ngoài mua bất động sản tại Malaysia vì đất đai là vấn đề thuộc về quản lý của Chính phủ.

Ông lưu ý thêm, chính quyền một số bang như Selangor đã tuyên bố họ sẽ xem xét giới hạn trần của bang mình sau khi Dự thảo Ngân sách được thông qua.

Mức trần của Selangor cho người nước ngoài sở hữu bất động sản tại bang này hiện tại là 2 triệu ringgit (hơn 485.000 USD).

Người đứng đầu Rehda cũng bổ sung thêm đánh giá rằng các vùng lãnh thổ liên bang như Kuala Lumpur vốn thuộc thẩm quyền của Chính phủ sẽ đi đầu trong việc thực hiện mức trần mới này.

Số liệu từ Napic cho thấy Kuala Lumpur dẫn đầu về phân khúc các căn hộ tập thể và chung cư chưa bán với giá trị lên tới 494 triệu USD và giá trung bình mỗi căn từ 145.000 USD trở lên.

Penang xếp ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị là 306 triệu USD, tiếp theo là Johor (hơn 200 triệu USD), Selangor (hơn 80 triệu USD) và Sabah (hơn 47 triệu USD).

Đối với loại hình căn hộ dịch vụ với giá từ 600.000 ringgit (145.000 USD) trở lên, Johor đang dẫn đầu với 2,34 tỷ USD xét theo tổng giá trị bất động sản chưa bán, cao hơn nhiều so với Kuala Lumpur ở mức chỉ 554.000 USD tính đến quý II/2019.

Đối với phân khúc Soho, Kuala Lumpur đang ở vị trí dẫn đầu với tổng giá trị căn hộ chưa bán lên tới hơn 34 triệu USD đối với mỗi đơn vị tính có giá từ 600.000 ringgit (145.000 USD) trở lên. Johor ở vị trí thứ hai (21,8 triệu USD) và Selangor ở vị trí thứ ba (hơn 8 triệu USD).

Trong khi công bố dự thảo ngân sách đã tạo nên các cuộc thảo luận trên khắp đất nước, đây thực sự là một tin tốt cho người nước ngoài đang hướng tới định cư lâu dài tại Malaysia. Với mức trần 1 triệu ringgit, người nước ngoài thực sự có ít sự lựa chọn nhà ở tại Malaysia.

Quyết định hạ xuống 600.000 ringgit, cơ hội sẽ mở ra cho người nước ngoài không chỉ ở chỗ họ có thể mua được nhà tại Malaysia mà còn có thêm nhiều lựa chọn hơn.

Có thể nhận thấy trong năm 2020, thị trường bất động sản Malaysia sẽ rất sôi động trong phân khúc chung cư và tập thể, nơi mà đối tượng khách hàng phần đa phần sẽ là người nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục