Malaysia mở cửa lại nền kinh tế: Giai đoạn khó khăn (Phần 2)

05:30' - 27/05/2020
BNEWS Trong những năm gần đây, thương mại điện tử tại Malaysia phát triển nhanh chóng (đạt mốc 4 tỷ USD), nhưng tiềm năng to lớn của lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi mua hàng tại một siêu thị ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

* Thúc đẩy kinh tế số

Điều chỉnh theo môi trường kinh doanh trong bối cảnh đối phó với đại dịch COVID-19 là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số của Malaysia. Bán hàng và dịch vụ trực tuyến chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong nền kinh tế hiện đại và ít bị tổn thương hơn trước các hạn chế liên quan đến dịch bệnh.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử tại Malaysia phát triển nhanh chóng (đạt mốc 4 tỷ USD), nhưng tiềm năng to lớn của lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác. Rào cản và hạn chế chủ yếu ở phía đơn vị cung ứng khi người tiêu dùng chấp nhận loại hình này rộng rãi nhưng các doanh nghiệp chỉ khai thác được trong phạm vi hẹp.

Trên cơ sở các sáng kiến gần đây như chợ điện tử Ramadan để đưa các doanh nghiệp nhỏ lên mạng Internet nên được xem như là một chiến lược cốt lõi trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch.

Nỗ lực chung giữa chính phủ và doanh nghiệp cung cấp mặt bằng kinh doanh (như trung tâm mua sắm) để phát triển nền tảng bán hàng trực tuyến tập trung và dịch vụ thiết kế web sẽ giảm sự phụ thuộc của hoạt động kinh doanh đối với lưu lượng truy cập và tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hậu cần cho người Malaysia.

Mở rộng nền kinh tế số và bảo vệ các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch sẽ được hưởng lợi từ việc tăng đầu tư vào hỗ trợ cơ sở hạ tầng.

Làm việc và mua sắm tại nhà làm tăng nhu cầu về băng thông Internet. Điều này được thể hiện qua tốc độ Internet di động trung bình giảm khoảng một phần ba trong giai đoạn đầu áp dụng MCO.

Gói kích thích kinh tế đã phân bổ 400 triệu RM (95 triệu USD) giúp giảm bớt các hạn chế về dung lượng Internet, trong đó số hóa là trụ cột chính của ngân sách gần đây. Tại Malaysia, việc tiếp tục thực hiện và nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch kết nối quốc gia là ưu tiên không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về ngân sách và đại dịch COVID-19.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hậu cần và khả năng cạnh tranh đều rất quan trọng trong hỗ trợ nền kinh tế tập trung hơn vào giao nhận hàng.

Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cũng mang lại sự kích thích ngay lập tức cho các hoạt động kinh tế và là bàn đạp cho sự phục hồi kinh doanh mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

* Tăng cường các mạng lưới an toàn xã hội

Duy trì việc làm cho người dân đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn tình trạng thiếu thốn ở các quốc gia như Malaysia, nơi thiếu mạng lưới an toàn xã hội toàn diện.

40% người lao động không thể tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong khi các khoản thanh toán cho số được bảo hiểm chỉ có được sau 6 tháng với tốc độ hàng tháng giảm nhanh chóng. Bất cập của bảo hiểm xã hội có thể hình thành những thiệt hại đối với người Malaysia cũng như gây khó khăn hơn cho lao động nước ngoài.

Vào thời điểm các doanh nghiệp đối mặt với sự gián đoạn đáng kể và thiếu vốn đầu tư vào quá trình tự động hóa và tái đào tạo nhân công, việc lao động nước ngoài hồi hương cùng với lượng lớn lao động Malaysia có kỹ năng thấp có thể khiến nền kinh tế gánh chịu thêm các tổn hại khi tái mở cửa và phục hồi.

Trong khi thị trường lao động chỉ mới bắt đầu điều chỉnh, các chính sách nên tập trung vào việc hỗ trợ những người thất nghiệp tạm thời để tìm giải pháp thay thế phù hợp và/hoặc đầu tư vào các đào tạo kỹ năng mới.

Malaysia có thể đi tham khảo mô hình của Australia thông qua tài trợ các khóa học ngắn hạn trong các lĩnh vực ưu tiên và mở rộng bảo hiểm xã hội tạm thời bất chấp hạn chế về tài khóa có thể giới hạn phạm vi của các sáng kiến nhiều giá trị này.

* Những việc Malaysia cần làm khi mở cửa nền kinh tế 

Chia sẻ trên Twitter ngày 14/5, ông Noor Hisham cho rằng Malaysia cần phải thích nghi với các chuẩn mực mới để tồn tại khi Tổ chức Y tế thế giới nhận định cuộc chiến chống COVID-19 có thể là một quãng đường dài trong 5 năm tới, một thách thức chưa từng có trong thời điểm khó khăn hiện tại.

Việc Malaysia mở cửa lại nền kinh tế có thể sao chép lại những chỉ dẫn của Bộ Y tế trong xây dựng cách tiếp cận chiến lược và được truyền đạt rõ ràng là tập trung vào việc khôi phục niềm tin.

Trong bối cảnh này, Malaysia cần loại bỏ các rào cản cụ thể và ngăn cách địa lý không cần thiết, giảm thiểu rủi ro gián đoạn. Đây là những động thái giúp cho những điều chỉnh hướng đến tình trạng bình thường mới và thúc đẩy đầu tư vào kỹ thuật số và nâng cao tay nghề lao động – một chiến lược trao quyền và đoàn kết người Malaysia trong cuộc chiến trường kỳ chống lại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục