Malaysia tiếp tục là thị trường ngân hàng Hồi giáo lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương

16:29' - 22/05/2023
BNEWS Malaysia tiếp tục là thị trường ngân hàng Hồi giáo lớn nhất ở châu Á-Thái Bình Dương với 62,7% tổng tài sản ngân hàng Hồi giáo của khu vực và quốc gia này sẽ duy trì vị thế trong hai năm tới.

Theo Cơ quan Xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P, Malaysia tiếp tục là thị trường ngân hàng Hồi giáo lớn nhất ở châu Á-Thái Bình Dương với 62,7% tổng tài sản ngân hàng Hồi giáo của khu vực và quốc gia này có thể sẽ duy trì vị thế mạnh mẽ này trong hai năm tới.

Trong một báo cáo về lĩnh vực ngân hàng Hồi giáo châu Á-Thái Bình Dương, Cơ quan này cho biết, tài chính Hồi giáo ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 8% trong hai năm tới, trong đó Malaysia vẫn giữ vị trí thống lĩnh thị trường. “Các ngân hàng Hồi giáo tại các thị trường cốt lõi của Malaysia và Indonesia có vốn hóa tốt và cơ sở tiền gửi bán lẻ ổn định”.

 

Dựa trên ước tính của S&P, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 20,7% thị phần tài sản ngân hàng Hồi giáo toàn cầu (Iran bị loại trừ do sự biến động cực độ của đồng nội tệ) và Đông Nam Á chiếm 80% tài sản ngân hàng Hồi giáo của châu Á-Thái Bình Dương.

Đề cập đến các động lực tăng trưởng cho khu vực, báo cáo cho biết, chúng bao gồm đề xuất sáp nhập Hiệp hội Xây dựng Malaysia Bhd và Công ty Tài chính Phát triển Công nghiệp Malaysia Bhd, sẽ tạo ra một ngân hàng Hồi giáo có đủ dịch vụ ở Malaysia, cũng như tăng cường số hóa các dịch vụ ngân hàng trong khu vực.

Cơ quan này cho hay một động lực tăng trưởng khác là nhu cầu mạnh mẽ và tiềm năng thị trường chưa được khai thác đáng kể ở Indonesia, Bangladesh và Pakistan.

S&P Global dự báo rằng thị phần tài chính Hồi giáo của các ngân hàng Hồi giáo Malaysia ở Đông Nam Á sẽ tăng lên 45% vào năm 2026.

Về xu hướng lợi nhuận, báo cáo cho biết lợi nhuận của các ngân hàng Hồi giáo Malaysia dự kiến sẽ không thay đổi vào năm 2023. “Việc giảm tỷ suất lợi nhuận trong bối cảnh chi phí tài trợ cao hơn sẽ được cân bằng bằng việc bình thường hóa thuế suất”.

Theo đó, một số ngân hàng Hồi giáo nhỏ đã ghi nhận lợi nhuận phục hồi mạnh do các khoản dự phòng thấp hơn. “Tuy nhiên, trong hai năm tới, các ngân hàng lớn của Malaysia sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn các ngân hàng nhỏ hơn do hồ sơ kinh doanh đa dạng và hiệu quả hoạt động”.

Bên cạnh đó, các ngân hàng Hồi giáo của Malaysia đang dẫn đầu về thực hành môi trường, xã hội và quản trị (ESG). 18% tổng số tiền tài trợ được dành cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng nhận tài trợ có trách nhiệm nhiều nhất (61,8%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục