Mexico lần đầu tiên sáng chế thành công xi măng phát quang

05:02' - 04/05/2016
BNEWS Theo tiến sĩ khoa học Rubio, trong những ngày mưa có chớp, chỉ cần ánh sáng của những tia chớp, loại xi măng này cũng có thể “nạp” ánh sáng được và về đêm chúng có thể phát sáng “trả lại”.
Tiến si khoa học người Mexico José Carlos Rubiođã phát minh ra loại xi măng phát sáng đầu tiên trên thế giới. Ảnh: reddit.com

Tiến sĩ khoa học người Mexico, José Carlos Rubio thuộc Đại học San Nicolás de Hidalgo (UMSNH) đã sáng chế thành công loại xi măng có thể phát sáng, chịu nhiệt và có tuổi thọ trên 100 năm, mở ra nhiều triển vọng cho ngành xây dựng và phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội tại nước này.

Trả lời phỏng vấn báo chí về phát minh trên, tiến sĩ Rubio cho biết sau 9 năm nghiên cứu thử nghiệm từ ý tưởng đưa xi măng trở thành một loại vật liệu không đục, ông cùng các đồng nghiệp tập trung làm thay đổi cấu trúc vi mô của xi măng, biến nó thành loại chất có khả năng hấp thụ ánh sáng để rồi sau đó có thể phát quang.

Như vậy nếu các tòa nhà, đường cao tốc hay dàn khoan dầu ngoài khơi được xây dựng bằng loại xi măng đặc biệt này, ban ngày nó sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời và về đêm có thể phát sáng trong vòng 12 giờ liên tục.

Theo tiến sĩ Rubio, trong những ngày mưa có chớp, chỉ cần ánh sáng của những tia chớp, loại xi măng này cũng có thể “nạp” ánh sáng được và về đêm chúng có thể “trả lại” lượng ánh sáng đó. Sản phẩm độc đáo này cũng đã được thử nghiệm xây nhà tắm, nhà vệ sinh trong các tòa nhà cao thiếu ánh sáng và đem lại kết quả khả quan.

Hiện nay, loại xi măng trên có mầu xanh da trời và xanh lá cây, đang trong quá trình chuyển giao công nghệ và đưa vào sản xuất thương mại, trong khi các nhà khoa học Mexico vẫn tiếp tục thử nghiệm đối với thạch cao và một số vật liệu xây dựng khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục