Minh bạch hóa thông tin giúp cải thiện hình ảnh, uy tín doanh nghiệp

15:44' - 18/07/2022
BNEWS Quản trị công ty tốt, các doanh nghiệp cần xây dựng chính sách công bố thông tin và bắt buộc thực hiện, đảm bảo ai quan tâm tới công ty có thể tiết cận thông tin này một cách dễ dàng và không tốn kém.

Cải thiện môi trường đầu tư là một trong những mục tiêu hướng tới của các bộ, ngành, địa phương nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phục hồi và phát triển toàn nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.  

Mới đây, S&P Global Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên BB+ với triển vọng “Ổn định”. Đây là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư; đặc biệt là hoạt động công bố thông tin. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín quốc gia, gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Vietnam Report khuyến nghị những thông tin doanh nghiệp cần công bố. Ảnh: Vietnam Report cung cấp

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, còn khá nhiều việc để làm, để khắc phục những vấn đề nội tại về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam; cũng như lấp đầy các “lỗ hổng” nhằm tạo thêm niềm tin cho thị trường.

Báo cáo mới công bố của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã ghi nhận rằng, công bố thông tin và truyền thông là một những yếu tố quan trọng cần được ưu tiên, góp phần đem lại những giá trị tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report phân tích, website của doanh nghiệp hiện vẫn là kênh truyền thông, tương tác với người sử dụng thông tin quan trọng nhất. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chưa có sự chăm chút đối với thông tin được cung cấp trên website.

Cải thiện chất lượng cung cấp thông tin có thể được thực hiện thông qua cấu trúc lại các mục trên website nhằm đảm bảo thông tin được cung cấp dưới hình thức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu, khả năng so sánh và trích dẫn các kênh thông tin khác để người đọc có thể xác nhận. Việc tương tác thông qua thư điện tử hay các cơ quan truyền thông cũng là những cách thức giúp doanh nghiệp đảm bảo thông tin được truyền tải tới các bên liên quan: nhất là các cổ đông được kịp thời và bình đẳng.

Theo ông Vinh, để quản trị công ty tốt, khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chính sách công bố thông tin, xin phê duyệt từ hội đồng quản trị và bắt buộc thực hiện, nhằm đảm bảo cho những người quan tâm tới công ty có thể tiết cận thông tin này một cách dễ dàng và không tốn kém.

Theo đó, chính sách cần quy định, liệt kê các thông tin doanh nghiệp dự kiến công bố, nêu rõ các quy tắc truyền thông và mối liên hệ với phương tiện đại chúng cũng như mức độ thường xuyên của việc truyền thông, yêu cầu các chủ thể điều hành tổ chức họp với các cổ đông và các nhà phân tích, xây dựng quy trình trả lời các câu hỏi của cổ đông, liệt kê các thông tin, văn bản và tài liệu cung cấp cho cổ đông tại đại hội cổ đông, liệt kê danh sách các thông tin mật và xây dựng duy trình xác định và xử lý các thông tin nội bộ.

Ở các thị trường phát triển, doanh nghiệp thường công bố ngày dự kiến đăng tải báo cáo tài chính hoặc các thông tin quan trọng khác để nhà đầu tư nắm được lịch và kịp thời cập nhật. Đây là hành động đòi hỏi ít nỗ lực nhưng đem lại hiệu quả lớn trong cách tương tác với nhà đầu tư.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng khuyến nghị, khuôn khổ quản trị công ty phải được bổ sung bằng các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ phân tích hay tư vấn do các tổ chức phân tích, môi giới chứng khoán, định mức tín nhiệm.

Thông lệ này khuyến khích doanh nghiệp tổ chức buổi gặp mặt giới phân tích từ các công ty chứng khoán để thông qua đó cung cấp báo cáo phân tích từ bên thứ 3 giúp nhà đầu tư có đánh giá khách quan về các thông tin liên quan tới công ty.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công bố thông tin ở từng doanh nghiệp. theo ông Vinh, doanh nghiệp cần xây dựng báo cáo thảo luận và phân tích  tình hình hoạt động kinh doanh cũng như triển vọng tương lai của doanh nghiệp.

Báo cáo này sẽ bổ sung thông tin cho báo cáo tài chính, nêu rõ định hướng hướng tới tương lai, tập trung vào việc tạo ra giá trị lâu dài, tích hợp triển vọng ngắn và dài hạn, trình bày thông tin quan trọng phục vụ nhu cầu ra quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính và phản ánh độ tin cậy, sự so sánh, phù hợp, ổn định và dễ hiểu của báo cáo tài chính. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nội dung rất chi tiết cho mục này trong báo cáo thường niên tuy nhiên chất lượng thông tin công bố có sự chênh lệch lớn. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp có tần suất cập nhật theo quý hoặc theo tháng của các tài liệu có mục đích tương tự là rất hạn chế.

Bên cạnh đó dù theo quy chế thì doanh nghiệp niêm yết phải giải trình kết quả kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giải trình khá sơ sài không có giá trị thông tin đối với người dùng. Nâng cao chất lượng của các báo cáo định kỳ này sẽ giúp người sử dụng thông tin có thêm cơ sở để phân tích và đánh giá báo cáo tài chính, rút ngắn thời gian ra quyết đinh. 

Thông tin tài chính là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc minh bạch thông tin, giúp cổ đông nắm được tình hình tài chính của công ty. Do đó, cần khuyến khích việc song song lập báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế với báo cáo theo chuẩn mực Việt Nam (VAS). 

Ngoài ra, các báo cáo quý (bán niên), doanh nghiệp phải cung cấp thông tin hướng tới tương lai liên quan đến các nguồn doanh thu, kế hoạch cho quy trình sản xuất mới, mở rộng hay thu hẹp sản xuất, phát triển sản phẩm mới, thay thế các sản phẩm cũ, nâng cấp hoặc sửa chữa tài sản cố định và chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp hay chính sách quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, các vấn đề môi trường… giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể đánh giá hợp lý triển vọng của doanh nghiệp, mối quan hệ với các bên liên quan và cách mà doanh nghiệp đang tiến hành để đạt được mục tiêu của mình. Hiện nay thông lệ quốc tế khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện công bố các thông tin này theo cách dễ dàng tiếp cận cho công chúng, thông qua trang thông tin điện tử của công ty.

Ngoài ra, doanh nghiệp; nhất là doanh nghiệp đại chúng cũng cần có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo các thông tin do doanh nghiệp cung cấp có thể tác động tới khả năng ra quyết định và ảnh hưởng tới giá cổ phiếu sẽ không đem lại lợi thế giao dịch cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp về mặt thời gian hay nội dung thông tin. Đây là một hiện tượng đang xảy ra rất phổ biến kể cả ở những công ty hàng đầu hiện nay và đem lại sự bất cân xứng thông tin mà đối tượng chịu thiệt là các cổ đông thiểu số, ông Vinh khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục