Mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới
Không nằm ngoài cuộc chơi, Việt Nam đang vươn lên thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Tuy nhiên, trước dự báo thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục bùng nổ, nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm những định hướng và giải pháp mang tính đột phá để thương mại điện tử Việt Nam sẵn sàng bước ra sân chơi lớn.
Động lực thúc đẩy
Khác biệt với hình thức thương mại truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới vượt khỏi phạm vi quốc gia và mang tính toàn cầu.
Chính vì vậy, chỉ cần thông qua mạng Internet, người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin sản phẩm, đặt hàng và thanh toán với đối tác cách nhau cả vòng trái đất.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2014-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt trung bình trên 30%/năm.
Dự kiến, quy mô thị trường này sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Thay vì chỉ mua sắm theo phương thức truyền thống như trước kia, giờ đây người tiêu dùng chỉ cần ngồi trước máy tính kết nối mạng hay một chiếc điện thoại smart phone là cả thế giới được thu nhỏ trong lòng bàn tay qua hình thức trực tuyến.
Đây cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, chuyển đổi số kịp thời để sản phẩm của mình đến với bạn hàng quốc tế.
Hơn nữa, qua đây còn có thể quảng bá hàng hoá, thương hiệu tới hàng trăm triệu tài khoản mua hàng tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Thương mại điện tử xuyên biên giới là mô hình B2B (Business to Business) giúp kết nối các doanh nghiệp dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể chào hàng, tìm kiếm bạn hàng, đặt hàng, ký kết hợp đồng và thanh toán.
Đặc biệt, việc tăng cường hợp tác và đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới đã mang lại nhiều lợi ích trong xúc tiến xuất khẩu, phát triển thương hiệu và đưa thương mại điện tử trở thành hình thức giao dịch có tiềm năng phát triển.
Liên quan đến cơ hội phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Một trong các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh chính là thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, việc gia nhập những nền tảng thương mại này còn giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu và tiết giảm rất nhiều chi phí.
Tuy nhiên, theo phân tích từ các chuyên gia, việc quản lý chất lượng và nguồn gốc xuất xứ qua thương mại điện tử xuyên biên giới không hề đơn giản bởi có những sản phẩm có giá trị thấp, không đủ chứng từ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng gây khó khăn cho hoạt động thông quan.
Vì thế, mỗi quốc gia lại đưa ra một chế tài quản lý hàng hoá theo cách riêng nhưng vẫn có điểm chung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian lưu kho, kiểm tra sản phẩm và khối lượng hàng hóa phải kiểm tra cũng như đơn giản hóa quy trình đặt hàng, giao dịch hay thanh toán.
Chủ động thích ứng
Dẫn đầu trong kinh doanh online, đại diện Alibaba Việt Nam chia sẻ: Mặc dù dịch COVID-19 kéo dài khiến không ít doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức truyền thống lao đao nhưng Alibaba.com vẫn đạt tăng trưởng tốt với hơn 100% người mua hàng và hơn 15% người bán hàng mới.
Không những thế, các doanh nghiệp khi tham gia trên sàn giao dịch B2B Alibaba.com còn có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng với 260 triệu doanh nghiệp mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, Việt Nam còn là thị trường ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn mua hàng hóa chất lượng tốt với giá cả phải chăng.
Do vậy, Alibaba.com đang tích cực nâng cao nhận biết về các nhà cung cấp Việt Nam trên toàn nền tảng Alibaba.com.
Không chỉ với Alibaba.com mà thông qua nhiều sàn thương mại điện tử khác như Tiki, Shopee hay Amazon… doanh nghiệp Việt sẽ được tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ trên chính thương hiệu của mình.
Thế nhưng, xuất khẩu bằng thương mại điện tử xuyên biên giới đang ở giai đoạn đầu nên cơ hội lớn và rào cản cũng nhiều.
Vì thế, doanh nghiệp cần chuẩn bị thật kỹ cũng như thường xuyên cập nhật thông tin và kết nối với các bên cung ứng dịch vụ hỗ trợ để tháo gỡ những rào cản cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, hiện Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần cho phù hợp với thị trường.
Với cách tiếp cận này, Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách về thương mại điện tử; cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm một mô hình xuất khẩu linh hoạt hơn cũng như tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Với xu hướng xuất khẩu trực tuyến đang tăng lên nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam, dự báo quy mô của thương mại điện tử qua biên giới hình thức B2C ở phạm vi toàn cầu sẽ đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2020.
Trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Mặt khác, Bộ còn chú trọng việc kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử giữa nhà trường và doanh nghiệp, cộng đồng cũng như đào tạo kiến thức, kỹ năng, tư vấn lộ trình về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp để thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng phát triển bền vững./.
Tin liên quan
-
Công nghệ
Thương mại điện tử - Giải pháp giúp du lịch Cuba thích ứng sau dịch COVID-19
07:04' - 20/09/2020
Havanatur - công ty lữ hành và khai thác tour du lịch lớn nhất Cuba - đang đi đầu trong việc triển khai nền tảng kỹ thuật số nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
-
Ý kiến và Bình luận
Phát triển thị trường thương mại điện tử lành mạnh: Cần giải pháp "mạnh tay" hơn!
09:48' - 04/09/2020
Người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao sẽ ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng.
-
Bất động sản
Mặt bằng bản lẻ gặp khó, thương mại điện tử được thúc đẩy
16:10' - 10/07/2020
Mặc dù công suất thuê tại các trung tâm thương mại vẫn ở mức cao nhưng số lượng gian hàng trống vẫn tiếp tục tăng lên trong vài tháng tới. Trong khi đó, thương mại điện tử được thúc đẩy.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” – Lan tỏa tầm vóc và ý nghĩa Đại thắng mùa xuân 1975
22:53' - 27/04/2025
Chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” có quy mô hoành tráng với sự xuất hiện của hơn 1.200 nghệ sĩ tại 3 điểm cầu Bắc-Trung-Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngày hội kết nối giao thương Hải Dương thu hút 500 doanh nghiệp
20:58' - 27/04/2025
Ngày hội kết nối giao thương năm 2025 đã tạo môi trường giúp các doanh nghiệp kết nối trực tiếp, chia sẻ ngành hàng kinh doanh, kết nối khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.
-
Kinh tế Việt Nam
Số chuyến bay qua Tân Sơn Nhất dịp 30/4 -1/5 sẽ tăng 10%
20:57' - 27/04/2025
Dịp Lễ 30/4 và 1/5 năm nay, các chuyến bay qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng 10% so với ngày thường. Ngày cao điểm nhất có khoảng 126.000 lượt khách qua sân bay.
-
Kinh tế Việt Nam
Quy định mới về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp
20:27' - 27/04/2025
Mức độ c thu phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tại Quảng Trị
19:45' - 27/04/2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tại tỉnh Quảng Trị gồm: Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy và dự án Cảng hàng không Quảng Trị.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
18:48' - 27/04/2025
Bộ Xây dựng đang tập trung rà soát, hoàn thiện để đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn (TCVN) và quy chuẩn quốc gia (QCVN) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; lập kế hoạch.
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố 80 thủ tục hành chính trong trồng trọt và bảo vệ thực vật
17:54' - 27/04/2025
Có 80 thủ tục hành chính chuẩn hoá lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
-
Kinh tế Việt Nam
Vốn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo tăng 8 lần
16:50' - 27/04/2025
Việt Nam vẫn ghi nhận 2,3 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân qua 141 thương vụ trong năm 2024.
-
Kinh tế Việt Nam
Siết hàng giả: Không chỉ dừng ở khâu “đuổi bắt”
15:35' - 27/04/2025
Việc chống hàng giả không thể chỉ dừng ở “đuổi bắt” mà cần phòng ngừa tận gốc; trong đó, siết chặt quản lý chất lượng và cấp phép được ví như giải pháp nền tảng.