Mở rộng dịch vụ trực tuyến, những cơn “đau đầu” mới đang chờ Apple

14:44' - 01/04/2019
BNEWS Giới quan sát đã cảnh báo rằng càng tạo ra nhiều dịch vụ Internet, “Trái táo khuyết” nhiều khả năng sẽ càng phải đau đầu trước những cáo buộc cạnh tranh không công bằng.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook giới thiệu dịch vụ truyền hình trực tuyến Apple TV+ tại Cupertino, California, Mỹ, ngày 25/3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vào lúc 0h ngày 26/3 (theo giờ Hà Nội), tại Steve Jobs Theater ở Cupertino, California (Mỹ), “người khổng lồ” ngành công nghệ thế giới Apple Inc đã trình làng một loạt những dịch vụ trực tuyến mới. Trong đó bao gồm một dịch vụ truyền hình, một nền tảng đăng ký theo dõi thông tin báo chí, một dịch vụ chơi game cùng một thẻ tín dụng riêng của họ.

Tuy nhiên, giới quan sát đã cảnh báo rằng càng tạo ra nhiều dịch vụ Internet, “Trái táo khuyết” nhiều khả năng sẽ càng phải đau đầu trước những cáo buộc cạnh tranh không công bằng so với khi họ chỉ đóng vai trò là người bán trung lập cho các ứng dụng và phần mềm của các công ty khác.

“Hệ sinh thái” Apple đang mở rộng

Tại sự kiện công nghệ mới nhất, Apple đã trình làng một dịch vụ truyền hình trực tuyến mới có tên Apple TV+, cho phép người dùng của 1,4 tỷ thiết bị điện tử trên toàn thế giới theo dõi các bộ phim cùng các chương trình truyền hình mà doanh nghiệp này hỗ trợ phát triển. Đây là bước đi đầu tiên của Apple trong việc thách thức những đối thủ đi đầu trong lĩnh vực này như Netflix và Amazon.

Apple TV+ (bản nâng cấp của dịch vụ Apple TV trước đó) sẽ có mặt tại 100 thị trường khác nhau trên thế giới. Thông qua các khoản đầu tư mạnh tay vào sản xuất nội dung song song với việc nâng cấp ứng dụng truyền hình cho các dịch vụ của bên thứ 3 như HBO và Showtime, Apple TV+ sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Netflix và Hulu. Dự kiến, Apple TV+ sẽ xuất hiện trên các sản phẩm của “Trái táo khuyết” gồm iPhone, iPads, thiết bị Apple TV, cũng như trên các dòng TV thông minh và có thể cả những thiết bị điện tử khác.

Bên cạnh đó, Apple cũng ra mắt một nền tảng đọc báo trực tuyến có tên là Apple News+. Nền tảng này tích hợp 300 đầu tạp chí, trong đó có rất nhiều tên tuổi như The New Yorker, Esquire, National Geographic, Vogue… Người dùng Apple News+ cũng có thể đọc những nguồn tin trả phí như Wall Street Journal, Los Angeles Times.

Có thể coi đây là phiên bản trả phí của Apple News hiện hành, cho phép người đọc truy cập những nguồn tin chất lượng cao với mức phí đăng ký 9,99 USD/tháng. Người dùng tại Mỹ và Canada sẽ được trải nghiệm trước dịch vụ Apple News+ với chi phí tháng đầu tiên hoàn toàn được miễn. Sau đó, Apple sẽ tiếp tục ra mắt dịch vụ này tại các quốc gia châu Âu.

Apple cũng thông báo sẽ thêm một dịch vụ chơi game mới vào App Store có tên Apple Arcade. Theo dự kiến, Apple Arcade sẽ ra mắt hơn 100 trò chơi tại hơn 150 quốc gia vào mùa Thu tới. Thương hiệu “Trái táo khuyết” đã hợp tác với một loạt các nhà phát triển trò chơi nổi tiếng để xây dựng nội dung cho dịch vụ này.

Những dịch vụ nêu trên là một phần trong nỗ lực của Apple nhằm thúc đẩy doanh thu từ mảng này tăng từ 25 tỷ USD trong năm 2016 lên 50 tỷ USD trong năm 2020 để bù đắp cho doanh số bán iPhone đang bị đình trệ. Tuy nhiên, càng mở rộng “hệ sinh thái” của mình, Apple cũng càng dễ đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến cạnh tranh bình đẳng.

Những cơn “đau đầu” mới

Có thể nói rằng Apple chắc chắn sẽ gặp vấn đề tương tự như Amazon.com Inc. Elizabeth Warren, một ứng cử viên chạy đua vào chức vụ Tổng thống Mỹ, và các nhà quản lý châu Âu đang đặt ra những câu hỏi khó về việc liệu Amazon có đang mâu thuẫn khi đóng cả hai vai trò: trung tâm mua sắm trực tuyến trung gian cho các mặt hàng sản phẩm khác, đồng thời là nhà bán lẻ các mặt hàng riêng do họ phát triển.

Việc Apple vừa là nhà phân phối ứng dụng vừa là chủ sở hữu ứng dụng có thể không chịu cùng những quy định tương tự như Amazon, nhưng rõ ràng một số đối tác kinh doanh của họ đã tỏ ra không hài lòng. Mới đây, công ty cung cấp dịch vụ nghe nhạc kỹ thuật số Spotify thông báo đã đệ đơn khiếu nại lên cơ quan quản lý chống độc quyền của Ủy ban châu Âu (EC) do cho rằng Apple kiểm soát kho ứng dụng App Store nhằm hạn chế sự lựa chọn của người dùng và tạo lợi thế không công bằng cho dịch vụ Apple Music của họ.

 Đạo diễn Steven Spielberg tại sự kiện giới thiệu dịch vụ truyền hình trực tuyến Apple TV+ ở Cupertino, California, Mỹ, ngày 25/3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Dù những cáo buộc của Spotify chưa được chứng minh rõ ràng, không khó để nhận ra những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Điều gì sẽ xảy ra nếu Apple, với dịch vụ truyền hình trực tuyến của riêng mình, gây bất lợi cho Netflix trong App Store? Nếu tạp chí Wall Street Journal là một phần của gói dịch vụ Apple News+ nhưng đồng thời cũng có ứng dụng đăng ký riêng của họ trên iPhone, liệu Apple có “khéo léo” mời người dùng mua gói đăng ký bao gồm tạp chí này của “Trái táo khuyết” thay vì đăng ký trực tiếp cho Wall Street Journal không?

Trước Apple, các công ty lớn và có sức ảnh hưởng như Google và AT&T thường xuyên bị buộc tội đã thao túng kết quả tìm kiếm và hướng người dùng sang những thông tin hoặc địa điểm giải trí mà các công ty đó sở hữu. Chúng tạo ra nhiều vấn đề giữa họ với các nhà quản lý và đối tác kinh doanh. Từ ví dụ này, rất khó để nói rằng Apple sẽ là một ngoại lệ.

Càng đưa ra nhiều sản phẩm kỹ thuật số của riêng mình, Apple sẽ càng đối mặt với nhiều xung đột. Theo số liệu của công ty chuyên nghiên cứu lĩnh vực phát triển ứng dụng App Annie, khoảng 75% chi tiêu cho các ứng dụng di động đến từ các trò chơi điện tử. Nhiều khả năng dịch vụ chơi game của “Trái táo khuyết” sẽ đụng chạm tới lợi ích của các công ty vốn phụ thuộc nhiều vào App Store để tìm kiếm nguồn thu cũng như mang đến khoản hoa hồng khổng lồ cho cửa hàng ứng dụng của Apple.

Không phủ nhận một điều là Apple cần doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số mới và các bước tiến của họ cũng phù hợp với xu hướng công nghệ hiện thời. Nhưng “đại gia” này sẽ cần phải chuẩn bị kỹ hơn cho những cơn đau đầu sắp tới.

>>> Apple: Sạc không dây AirPower sẽ không thể tung ra thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục