Moody's: Trái phiếu hồi giáo quốc tế của Malaysia đang được các nhà đầu tư quan tâm

09:39' - 28/04/2021
BNEWS Theo Moody’s, việc tăng phát hành vượt mức dự kiến ban đầu 1 tỷ USD, một phần phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các sản phẩm tuân thủ luật Hồi giáo và liên kết bền vững.

Trong tuyên bố ngày 27/4, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service (Moody’s) nhận định nhu cầu mạnh mẽ đối với trái phiếu hồi giáo (sukuk) quốc tế của Malaysia cho thấy nhà đầu tư quan tâm với nền tài chính bền vững và là điểm tích cực về tín dụng đối với Chính phủ Malaysia.

Theo Moody’s, việc tăng phát hành vượt mức dự kiến ban đầu 1 tỷ USD, một phần phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các sản phẩm tuân thủ luật Hồi giáo và liên kết bền vững.

Moody’s cho rằng việc phát hành loại hình trái phiếu trên sẽ mở đường cho các đơn vị phát hành sukuk khác của Malaysia khai thác cơ sở tài trợ này để giải quyết các mối quan tâm về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Trước đó, ngày 22/4, Chính phủ Malaysia đã phát hành hai đợt sukuk, gồm 800 triệu USD chứng chỉ ủy thác 10 năm và 500 triệu USD chứng chỉ ủy thác 30 năm.

Moody’s nhận định đợt phát hành trên là tín hiệu tích cực đối với Chính phủ Malaysia khi bổ sung một phương thức tài chính mới cho quá trình tiếp tục xử lý rủi ro thanh khoản hiện vốn đã thấp bằng cách đa dạng hóa đối tượng huy động vốn cũng như giữ chi phí huy động vốn thấp.

Đồng thời, theo Moody’s, đợt phát hành này cũng củng cố vị trí dẫn đầu của quốc gia Đông Nam Á trong nền tài chính Hồi giáo. Kể từ kỳ phát hành sukuk đầu tiên trên thế giới vào năm 1990, Malaysia đã trở thành thị trường sukuk lớn nhất thế giới, chiếm 32% tổng số lượng phát hành sukuk toàn cầu vào năm 2020.

Moody's đánh giá mức độ nguy cơ về môi trường của quốc gia Đông Nam Á ở mức vừa phải, phản ánh mức độ phụ thuộc của chính phủ từ nguồn thu nhập liên quan đến xăng dầu hiện chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu.

Theo tổ chức xếp hạng tín dụng này, mối quan tâm mạnh mẽ đến sukuk quốc tế bền vững đã giúp mức lợi suất tương đối thấp, chỉ 2,07% đối với chứng chỉ ủy thác 10 năm và 3,075% đối với chứng chỉ ủy thác 30 năm và cho thấy khả năng tiếp cận nguồn vốn thị trường bằng tiền dự trữ của Malaysia. Điều này bổ sung cho khả năng tiếp cận thị trường vốn sâu rộng trong nước, giúp tăng xếp hạng về rủi ro thanh khoản thấp của chính phủ ngay cả khi nhu cầu tài chính tăng lên do thâm hụt tài khóa lớn hơn.

Moody’s dự báo thâm hụt tài khóa của Chính phủ Malaysia trong năm 2021 ở mức 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và giảm xuống 5% GDP trong giai đoạn 2022-2023 nhưng vẫn cao hơn so với mức thâm hụt từ 3-4% GDP trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục