Một "mùa Đông lạnh giá" cho kinh tế toàn cầu và cách ứng phó của Indonesia

05:00' - 19/10/2020
BNEWS Các chuyên gia cho rằng các nền kinh tế sẽ sẵn sàng để bắt đầu phục hồi, tăng tốc và đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so với dự báo trước đó, một khi đại dịch được kiềm chế.

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết nhận định, do đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát ở một số quốc gia, đà phục hồi kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ mất thời gian hơn. Một số quốc gia đã phục hồi sau đại dịch, trong khi những quốc gia khác đang vật lộn để kiềm chế nó.

Việc ngăn chặn đại dịch càng thành công thì sẽ càng có nhiều cơ hội để các nền kinh tế quốc gia phục hồi. Thực tế là hiện số quốc gia có các trường hợp nhiễm COVID-19 nhiều hơn số quốc gia không có ca nhiễm, nên triển vọng kinh tế toàn cầu rất ảm đạm và một mùa Đông kinh tế đóng băng đang chờ đợi kinh tế thế giới.

Nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn ngủ đông, và trong ngắn hạn và trung hạn, năng suất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong một mùa Đông lạnh giá, những người ở nhà vẫn có nhu cầu tiêu dùng các nhu cầu cơ bản và giữ ấm. Tương tự như vậy, trong sự co hẹp kinh tế này, kinh tế hộ gia đình phải tiếp tục tiêu dùng các nhu cầu cơ bản và nâng cao kỹ năng của họ. 

Các dự báo cho rằng các nền kinh tế sẽ sẵn sàng hơn để bắt đầu, tăng tốc và đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so với dự báo trước đó, một khi đại dịch được kiềm chế. 

Tại Indonesia, vẫn còn những cơ hội kinh tế phát triển trong cuộc khủng hoảng này. Một là chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất thông qua công nghiệp nông nghiệp. Thứ hai là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và thứ ba là cải thiện nguồn lực con người.

Về tiềm năng chuyển đổi kinh tế trong chuỗi giá trị giữa cung ứng liên quan đến thực phẩm và sản xuất thực phẩm và đồ uống, cũng như khả năng khởi đầu kinh tế thông qua sự tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào nền kinh tế. 

Dữ liệu cho thấy những lĩnh vực này nằm trong 15 mặt hàng giá trị xuất khẩu hàng đầu của Indonesia, nơi lao động nữ chiếm đa số. Điều này cho thấy rằng phụ nữ đứng sau khả năng cạnh tranh toàn cầu của Indonesia.

Xu hướng tiềm năng tiếp theo là chuyển đổi kinh tế và tầm quan trọng của nguồn lực con người để hỗ trợ. Dữ liệu tăng trưởng kinh tế hàng năm cho thấy trong quý II/2020 khi tăng trưởng kinh tế âm, lĩnh vực tích cực là nguồn lực con người liên quan đến giáo dục và y tế.

Tuy nhiên, cả hai lĩnh vực này vẫn sử dụng nhiều lao động vì đóng góp của họ vào giá trị gia tăng ít hơn so với mức tuyển dụng lao động. Điều này cho thấy dư địa để nâng cao chất lượng con người trong lĩnh vực giáo dục và y tế sẽ trực tiếp làm tăng chỉ số phát triển con người.

Với kiến thức tích lũy, bí quyết và khả năng công nghệ cao, nguồn lực con người là nền tảng cho năng suất, và năng suất là chìa khóa để khởi đầu và chuyển đổi nền kinh tế. Vì vậy, trong thời kỳ đại dịch này, các hoạt động giáo dục thường xuyên và không chính thức phải được duy trì như bình thường.

Trong khi đó, vai trò thông tin, truyền thông và công nghệ (ICT) có thể giúp các ngành dịch vụ như giáo dục tiếp tục phát triển. Ngoài ra, kiến thức và bí quyết tích lũy được là rất cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và chuyển đổi kinh tế trong trung và dài hạn.

Trong tình huống bình thường, cung tự tạo ra cầu, nhưng trong bất kỳ cuộc khủng hoảng chưa từng có như đại dịch toàn cầu này, câu nói của nhà kinh tế học Keynes ra đời trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vào những năm 1930 có tác dụng nhiều hơn, khi ông cho rằng nhu cầu tạo ra cung của chính nó.

Từ khía cạnh kinh tế vĩ mô, tổng cầu cần phải thúc đẩy trước khi tổng cung tăng lên. Trong đại dịch toàn cầu này, tổng cầu vẫn tạm dừng cho đến khi đại dịch được kiềm chế. Trong bối cảnh đó, các chiến lược y tế công cộng là điều kiện cần thiết trước khi nền kinh tế khởi động.

Vấn đề cốt lõi để phát triển nhảy vọt là chất lượng tăng trưởng kinh tế. Vấn đề không phải là tăng trưởng kinh tế có thể được bảo tồn bao nhiêu sau đại dịch mà là nó có thể tạo ra việc làm ở mức độ nào. Càng tạo ra nhiều việc làm, đất nước càng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế kỹ thuật số phù hợp với tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, bởi nó không đòi hỏi sự di chuyển của con người. Điều này giải thích tại sao mức tăng trưởng gần đây của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cao hơn trước đại dịch. 

Trong quý I/2020, tăng trưởng của lĩnh vực này đã tăng từ 9,06% lên 9,81% và 10,88% trong quý thứ hai. Có thể nói, vai trò của ICT đã làm cho tác động của đại dịch toàn cầu năm nay khác với 100 năm trước.

Ngoài ra, một số lĩnh vực cũng sẽ trở thành chủ lực cho nền kinh tế trong đại dịch như giáo dục, y tế và cấp nước cũng là những lĩnh vực rất quan trọng. 

Do nhu cầu hàng ngày trong giai đoạn bình thường mới ngày càng tăng, các lĩnh vực quan trọng khác là dịch vụ tài chính không dùng tiền mặt và các sản phẩm liên quan đến thực phẩm của ngành nông nghiệp, sẽ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người. 

Theo khung thời gian, có ba chiến lược khác nhau để Chính phủ Indonesia ứng phó với tình trạng tăng trưởng kém của kinh tế toàn cầu.

Thứ nhất, chi tiêu của chính phủ có thể tạo ra nhiều hơn gấp đôi số nhân kinh tế từ các lĩnh vực quan trong trong ngắn hạn. 

Thứ hai, một đại dịch đã được kiềm chế sẽ cho phép các lĩnh vực vận tải, thương mại, xây dựng, khách sạn và nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề mở cửa trở lại với giao thức bình thường mới trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, về lâu dài, nền kinh tế sẽ chuyển đổi thông qua công nghiệp nông nghiệp, khai khoáng và cải thiện nguồn lực con người và cuối cùng sẽ tạo ra một mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị mới bắt nguồn từ lợi thế so sánh ban đầu của Indonesia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục