“Mùa Xuân" trong quan hệ Trung Quốc-EU

16:41' - 12/04/2019
BNEWS Ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước thành công của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây tới Italy, Monaco và Pháp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới thăm châu Âu từ ngày 8 đến 12/4.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: THX/TTXVN

Sau Hội nghị Thượng đỉnh thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc hôm 9/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sang Croatia dự Hội nghị Thượng đỉnh 16+1. Hội nghị Thượng đỉnh giữa 16 nước Đông-Trung Âu và Trung Quốc diễn ra trong ba ngày 10-12/4.

Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 bắt đầu từ năm 2012. Trong số 16 nước châu Âu tham gia Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 như Estonia, Ba Lan, CH Czech, Hungary, Slovakia, Romania, Bulgaria, Croatia… có 11 thành viên EU.

Trước chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Brussels tham dự cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 21, thăm chính thức Croatia và tham dự cuộc họp lần thứ 8 giữa Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu (CEEC), Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh đã phát biểu nhấn mạnh “một mùa Xuân ấm áp" trong quan hệ Trung Quốc-EU đang đến.

Theo Đại sứ Trương Minh, sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau đã liên tục được củng cố giữa hai bên. Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn châu Âu cho chuyến công du nước ngoài cuối cùng của năm 2018 và chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong năm 2019, trong đó các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Pháp, Đức và EU đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt tại Paris, gửi một tín hiệu rõ ràng đến thế giới về tăng cường niềm tin chiến lược lẫn nhau và mối hợp tác chiến lược sâu rộng giữa Trung Quốc và EU.

Thứ hai, có một mối quan tâm chung ngày càng tăng giữa Trung Quốc và EU, vì EU là đối tác thương mại và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong 15 năm liên tiếp, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của khối này trong 14 năm liên tiếp. 

Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt mức cao kỷ lục 682 tỷ USD. Tháng trước, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới. Luật này là một cột mốc quan trọng khác trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc, điều này sẽ đóng góp đáng kể vào tiến trình tự do hóa và tạo thuận lợi cho đầu tư giữa Trung Quốc và EU, tạo ra cơ hội hợp tác lớn hơn giữa hai bên.

Thứ ba, hợp tác song phương trong khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) cũng đã được củng cố và đạt được những kết quả rõ rệt. Năm ngoái, EU đã ban hành chiến lược nhằm kết nối tốt hơn giữa châu Âu và châu Á, trong đó Trung Quốc được xác định rõ ràng là một đối tác quan trọng của EU.

Gần đây, Italy và Luxembourg đã ký một bản ghi nhớ về BRI với Trung Quốc, đưa số lượng chính phủ hoặc các cơ quan chính phủ hợp tác với Trung Quốc trong dự án này ở châu Âu lên tới 22. 

Thứ tư, ý nghĩa toàn cầu của mối quan hệ Trung Quốc-EU ngày càng trở nên nổi bật khi hai bên đã đạt được sự đồng thuận 10 điểm tại Đối thoại Chiến lược cấp cao Trung Quốc-EU vừa kết thúc vào hồi tháng Ba vừa qua, bao gồm hỗ trợ chủ nghĩa đa phương và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở.

Trung Quốc và EU đang tăng cường phối hợp và hợp tác trong hệ thống Liên hợp quốc và phát huy đầy đủ vai trò mang tính xây dựng của các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB).

Trung Quốc và EU tích cực thúc đẩy giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua biện pháp chính trị, cũng như cùng nhau giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Brussels sẽ khiến quan hệ Trung Quốc-EU nắm lấy một "thời khắc quan trọng", điều này sẽ tạo cơ hội để hai bên xem xét kết quả hợp tác trong 5 năm qua và lên kế hoạch hợp tác trong giai đoạn tới.

Đây cũng là dịp để một lần nữa những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc và EU được phát đi, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố niềm tin lẫn nhau về chính trị, thúc đẩy hợp tác hai bên cùng có lợi và ủng hộ chủ nghĩa đa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục