Mục tiêu khai thác 22 triệu tấn dầu khí: Khó khăn vẫn ở phía trước

18:09' - 11/01/2019
BNEWS Năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, giá dầu tuy đã phục hồi nhưng chưa vững chắc…

Mặc dù việc giá dầu được cải thiện là động lực quan trọng giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về đích trước các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 nhưng những khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ khai thác hơn 22 triệu tấn dầu khí trong năm 2019 vẫn còn ở phía trước.
*“Anh cả” trong các tập đoàn kinh tế
Chiều 11/1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, năm 2018, PVN đã triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh giá dầu biến động phức tạp; các mỏ chủ lực đã khai thác trong thời gian dài nên hệ số suy giảm sản lượng hàng năm từ 15% tới trên 30%.
Trong khi đó, nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí được đề xuất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Hiện tỷ lệ đầu tư của PVN vào tìm kiếm thăm dò chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhà thầu dầu khí nước ngoài.
Tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, PVN đã sớm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao cho năm 2018.
Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt 12 triệu tấn quy dầu, vượt 2 triệu tấn so với kế hoạch.
Tổng sản lượng khai thác năm 2018 đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 1,14 triệu tấn quy dầu (vượt 5,0%) kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu thô đạt 13,97 triệu tấn, vượt 735 nghìn tấn (vượt 5,6%) kế hoạch năm. Khai thác khí đạt 10,01 tỷ m³, vượt 410 triệu m3 (vượt 4,3%) kế hoạch năm.
Hệ thống các đường ống dẫn khí, các nhà máy sản xuất điện, đạm, lọc hoá dầu của PVN được vận hành an toàn, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên được thực hiện theo đúng yêu cầu thiết kế công nghệ và hoàn thành vượt tiến độ kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, PVN đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính nhờ giá dầu năm 2018 đã có sự cải thiện rõ so với 3 năm trước đây. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 626.800 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017; nộp ngân sách đạt 121.300 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2017.
Biểu dương những kết quả đạt được của PVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong công tác tái cơ cấu cổ phần hoá doanh nghiệp và trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định PVN tiếp tục là “anh cả” trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam.
PVN đã không chỉ có đóng góp quan trọng cho quốc kế dân sinh trong nhiều năm qua, nộp ngân sách lớn mà còn có vai trò trong hoạt động đối ngoại và quốc phòng an ninh. Đặc biệt, PVN có đóng góp đáng kể trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018.
*Đẩy mạnh tiến độ dự án khí trọng điểm
Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, năm 2019, PVN triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, giá dầu tuy đã phục hồi nhưng chưa vững chắc…
Các phát hiện dầu khí trong giai đoạn gần đây chủ yếu có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên chưa thể đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng khai thác 22,06 triệu tấn quy dầu trong năm 2019.

Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ghi nhận những khó khăn của PVN, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh tiến độ triển khai đầu tư các dự án quan trọng để bù sản lượng khai thác dầu thô sụt giảm khi các mỏ chủ lực đã giảm sản lượng, các mỏ còn lại ở xa bờ, sản lượng thấp.
Đặc biệt, PVN cần tăng cường tìm kiếm thăm dò dầu khí, kiểm soát chặt chẽ tiến độ phát triển các mỏ/công trình đưa vào khai thác trong năm 2019 và sản lượng khai thác dầu khí năm 2019 theo đúng kế hoạch đề ra.
Trong đó, PVN cần tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ biến động, PVN cần có các giải pháp kịp thời ứng phó, đảm bảo cân đối nguồn vốn, dòng tiền cho nhu cầu đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, nhất là cho các dự án trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nam Côn Sơn (giai đoạn 2), chuỗi dự án Lô B…
Cùng đó, PVN cần tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tại 5 dự án yếu kém gồm: Xơ sợi Đình Vũ, 3 dự án nhiên liệu sinh học và Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo đúng chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017.
Ngoài ra, PVN tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như tái cơ cấu toàn diện PVN.
Thủ tướng cũng yêu cầu PVN phối hợp với các bộ ngành liên quan tính toán lại các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh để đóng góp nhiều hơn nữa cho mục tiêu tăng trưởng GDP và ngân sách trong năm 2019.
Cam kết đồng hành trong giải quyết các khó khăn vướng mắc của PVN, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành và cơ quan liên quan kịp thời hỗ trợ PVN trong triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò, các dự án trọng điểm và các dự án tồn đọng kém hiệu quả.
Theo PVN, năm 2019, Tập đoàn đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí 10-15 triệu tấn quy dầu; khai thác 22,06 triệu tấn quy dầu. Bên cạnh đó, PVN sẽ sản xuất 1,58 triệu tấn đạm; 21,6 tỷ kWh điện; sản xuất 10,35 triệu tấn xăng dầu.
Với phương án giá dầu năm 2019 đã được Quốc hội thông qua là 65 USD/thùng, kế hoạch doanh thu toàn Tập đoàn là 612.200 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 31.300 tỷ đồng; nộp ngân sách 87.500 tỷ đồng./.
Xem thêm:

>>Tái cơ cấu giúp PVN khắc phục chồng chéo và nâng cao hiệu quả

>>PVN có 5 doanh nghiệp được công nhận Thương hiệu Quốc gia năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục