Mục tiêu phi đô la hóa của Malaysia còn nhiều thách thức

06:30' - 06/11/2023
BNEWS Là một quốc gia luôn tích cực theo đuổi chiến lược phi đô la hóa, Malaysia đang hướng tới việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ ringgit trong thương mại quốc tế.

Theo Tiến sỹ Paul Anthony Mariadas và Tiến sỹ Uma Murthy, giảng viên cấp cao thuộc Đại học Taylor của Malaysia, bối cảnh tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, với ngày càng nhiều quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ (USD) trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế.

Là một quốc gia luôn tích cực theo đuổi chiến lược phi đô la hóa, Malaysia đang hướng tới việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ ringgit trong thương mại quốc tế. Các nỗ lực này bao gồm tăng cường chủ quyền kinh tế, giảm thiểu rủi ro trao đổi tiền tệ và khuyến khích hội nhập kinh tế khu vực.

Phi đô la hóa là quá trình nhiều mặt liên quan đến việc giảm sự phụ thuộc của một quốc gia vào đồng USD trong cả giao dịch kinh tế trong nước và quốc tế. Chiến lược này xuất phát từ mối lo ngại về tính dễ bị tổn thương của đồng USD và mức độ ảnh hưởng của đồng tiền này đối với nền kinh tế quốc gia.

Một trong những lợi ích chính của việc phi đô la hóa là tăng cường chủ quyền kinh tế của một quốc gia. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một ngoại tệ như đồng USD có thể khiến quốc gia đó dễ bị tổn thương trước những áp lực kinh tế bên ngoài và các quyết định chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát. Bằng cách thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền riêng, một quốc gia có thể khẳng định quyền kiểm soát tốt hơn đối với vận mệnh kinh tế của mình.

Hơn nữa, phi đô la hóa sẽ làm giảm đáng kể rủi ro trao đổi tiền tệ liên quan đến thương mại quốc tế. Khi các giao dịch được thực hiện bằng ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những biến động về tỷ giá hối đoái, có thể dẫn đến chi phí khó lường và sự bất ổn về tài chính.

Việc sử dụng đồng nội tệ sẽ giảm thiểu những rủi ro này, mang lại sự ổn định cho doanh nghiệp và giảm khả năng gián đoạn thương mại. Việc phi đô la hóa cũng thúc đẩy quyền tự chủ về tài chính và tiền tệ. Một quốc gia tiến hành thương mại quốc tế bằng đồng nội tệ có thể điều chỉnh các chính sách tiền tệ và tài chính cho phù hợp với nhu cầu kinh tế cụ thể. Tính linh hoạt trong khả năng tự kiểm soát đồng tiền giao dịch cho phép các chính phủ phản ứng chính xác hơn trước những thách thức và cơ hội kinh tế mà không bị hạn chế bởi các yếu tố bên ngoài.

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế đôi khi được sử dụng như một công cụ chính trị, việc phi đô la hóa có thể mang lại sự bảo vệ khỏi các biện pháp đó. Khi hệ thống tài chính của một quốc gia phụ thuộc nhiều vào đồng USD, quốc gia đó sẽ dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt, có thể cản trở khả năng tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu. Việc sử dụng đồng nội tệ có thể tránh được những lỗ hổng này.

Thúc đẩy đồng nội tệ trong thương mại và tài chính quốc tế đòi hỏi phải phát triển một hệ sinh thái tài chính mạnh mẽ. Khoản đầu tư này vào các thị trường và thể chế tài chính trong nước không chỉ làm tăng tính thanh khoản và tính ổn định của đồng nội tệ, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đối với các quốc gia tham gia vào các tổ chức kinh tế và thương mại khu vực như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), việc phi đô la hóa có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế khu vực. Bằng cách thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ, các quốc gia có thể đơn giản hóa các giao dịch thương mại với những nước láng giềng gần gũi, giảm nhu cầu trung gian bằng USD và thúc đẩy các mối quan hệ khu vực mạnh mẽ hơn.

Việc Malaysia theo đuổi mục tiêu phi đô la hóa là một trường hợp điển hình để hiểu những lợi ích này trong thực tế. Những nỗ lực của Malaysia nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD phù hợp với mục tiêu đạt được chủ quyền kinh tế và giảm rủi ro trao đổi tiền tệ trong thương mại quốc tế. Trong những năm gần đây, quốc gia Đông Nam Á đã khởi xướng các hiệp định thương mại song phương quy định việc sử dụng đồng nội tệ ringgit trong các giao dịch thương mại, cũng như tham gia vào các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước khác. Nước này cũng khuyến khích sử dụng đồng ringgit trong thanh toán thương mại và đã bắt tay vào quá trình quốc tế hóa đồng nội tệ bằng cách phát hành trái phiếu mệnh giá bằng đồng ringgit và mở rộng việc sử dụng đồng tiền này trong tài chính thương mại quốc tế.

Bất chấp những lợi ích tiềm năng liên quan tới tăng cường chủ quyền và ổn định kinh tế, phi đô la hóa là quá trình phức tạp đòi hỏi phải xem xét cẩn trọng. Thách thức lớn nhất trong quá trình phi đô la hóa là sự thống trị toàn cầu của đồng USD. Đây là loại tiền dự trữ chính và được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại và tài chính quốc tế. Hầu hết các giao dịch quốc tế được thực hiện bằng đồng USD và việc thay đổi hệ thống đã ăn sâu này là nhiệm vụ khó khăn. Thuyết phục cộng đồng quốc tế chuyển sang các loại tiền tệ thay thế cũng là thách thức lớn.

Một thách thức đáng kể khác xoay quanh tính thanh khoản của các loại tiền tệ thay thế như đồng ringgit. Đồng USD được hưởng lợi từ tính thanh khoản to lớn do được sử dụng rộng rãi trong thị trường tài chính và thương mại toàn cầu. Ngược lại, đồng ringgit và các lựa chọn thay thế khác có thể không có tính thanh khoản cao hoặc không được giao dịch rộng rãi, khiến nó khó có thể thay thế đồng USD một cách hiệu quả trong các giao dịch quốc tế.

Xây dựng và duy trì niềm tin của nhà đầu tư vào đồng nội tệ là rất quan trọng để quá trình phi đô la hóa thành công. Các nhà đầu tư luôn không thích rủi ro và có xu hướng thận trọng khi giao dịch với các loại tiền tệ mới nổi hoặc ít ổn định. Chứng minh nền tảng kinh tế mạnh mẽ, ổn định chính trị và khung pháp lý hiệu quả là điều cần thiết để thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Mục tiêu phi đô la hóa có hiệu quả nhất khi các đối tác thương mại của một quốc gia sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều hào hứng với việc rời bỏ đồng USD. Họ có thể có lợi ích kinh tế riêng gắn liền với đồng USD hoặc lo ngại về sự ổn định của đồng tiền thay thế. Thiếu hợp tác có thể làm chậm nỗ lực phi đô la hóa và đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán và thỏa hiệp ngoại giao.

Quá trình phi đô la hóa thường đòi hỏi đầu tư đáng kể vào việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng tài chính. Phát triển thị trường tài chính trong nước, các tổ chức và hệ thống có thể hỗ trợ việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch quốc tế là nhiệm vụ phức tạp và mất nhiều thời gian. Những chuyển đổi này cần được thực hiện mà không gây ra gián đoạn tài chính hoặc rủi ro hệ thống.

Phi đô la hóa nhằm mục đích giảm rủi ro tỷ giá hối đoái, nhưng lại gây ra những phức tạp mới liên quan đến quản lý tỷ giá hối đoái. Các quốc gia phải quản lý hiệu quả tỷ giá hối đoái để ngăn chặn sự biến động, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước cũng như các đối tác quốc tế.

Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng quá trình phi đô la hóa lại mang lại triển vọng nâng cao chủ quyền và ổn định kinh tế. Sự phức tạp nảy sinh từ vị thế cố thủ sâu sắc của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu và sự năng động phức tạp của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc theo đuổi phi đô la hóa vẫn là chiến lược hợp lý cho các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước áp lực kinh tế bên ngoài, cũng như khẳng định quyền kiểm soát tốt hơn đối với vận mệnh tài chính.

Các quốc gia như Malaysia đang thực hiện những bước đi táo bạo để vượt qua những thách thức này thông qua thúc đẩy đồng nội tệ và đa dạng hóa bối cảnh tài chính quốc tế. Phi đô la hóa là phản ứng năng động đối với nền kinh tế toàn cầu đang phát triển và không phải là không có rào cản. Đây là hành trình hướng tới hệ thống tài chính quốc tế cân bằng và linh hoạt hơn, trong đó các quốc gia vượt qua sự phức tạp để đạt được quyền tự chủ và ổn định cao hơn trong thế giới kết nối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục