Mục tiêu phát triển kinh tế nhiều tham vọng của Malaysia

05:30' - 17/10/2023
BNEWS Kế hoạch ngân sách lần này của Malaysia có ba trọng tâm: Quản trị tốt nhất để đảm bảo tính linh hoạt của dịch vụ; tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện mức sống của người dân.

Dự thảo Kế hoạch ngân sách 2024 của Malaysia đã được Thủ tướng Anwar Ibrahim, đồng thời cũng là Bộ trưởng Tài chính, trình quốc hội. Đây là một khoản phân bổ khổng lồ lên tới 393,8 tỷ ringgit (RM) (83,26 tỷ USD), mức phân bổ ngân sách lớn nhất trong lịch sử Malaysia, nhằm hỗ trợ những cải cách táo bạo hơn cho nền kinh tế quốc gia với các biện pháp thuế mới. Mục tiêu chính của Kế hoạch ngân sách là thổi sức sống mới vào nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và thúc đẩy Malaysia hướng tới một tương lai thịnh vượng.

Trình bày tại Quốc hội, Thủ tướng Anwar cho biết 303,8 tỷ ringgit, tương đương với khoảng 77% ngân sách sẽ được dành cho chi phí hoạt động và 90 tỷ ringgit còn lại, tương đương với khoảng 23% ngân sách, dành cho phát triển.

Thủ tướng Anwar nêu rõ kế hoạch ngân sách lần này có ba trọng tâm, đó là: Quản trị tốt nhất để đảm bảo tính linh hoạt của dịch vụ; tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện mức sống của người dân. Ông khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ người dân giảm chi phí sinh hoạt thông qua việc phân bổ trợ cấp cho thực phẩm, nhiên liệu và các nhu cầu thiết yếu khác. Ngoài ra, Kuala Lumpur cũng đặt mục tiêu tăng nguồn thu mà không tạo gánh nặng cho người dân với việc đánh thuế cao đối với hàng hóa xa xỉ, tăng thuế bán hàng và dịch vụ từ mức 6% hiện nay lên 8%, không bao gồm thực phẩm, đồ uống và viễn thông.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Anwar cho biết, Chính phủ Malaysia sẽ cắt giảm chi tiêu trợ cấp khoảng 11,5 tỷ RM khi chuyển sang hỗ trợ có mục tiêu, đồng thời thiết lập kế hoạch đạt tăng trưởng kinh tế từ 4% đến 5% vào năm 2024.

Dựa theo Kế hoạch Ngân sách vừa công bố, một số ngành công, nông nghiệp và dịch vụ của Malaysia sẽ được hưởng lợi. Đó là các ngành xây dựng, chăn nuôi gia cầm và năng lượng mới…

Cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng, Chính phủ Malaysia đã lên kế hoạch cho một số dự án cơ sở hạ tầng trong năm tới, bao gồm việc khôi phục lại năm nhà ga đã bị hủy bỏ trước đó cho dự án vận chuyển đường sắt hạng nhẹ LRT3 trị giá 4,7 tỷ RM. Dự thảo ngân sách cũng hỗ trợ một tuyến đường sắt mới đến Penang ước tính trị giá 10 tỷ RM và sẽ mở rộng đường cao tốc liên bang chính của đất nước. Đây sẽ là động lực cho các công ty xây dựng và kỹ thuật của Malaysia.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Chính phủ Malaysia tuyên bố dỡ bỏ kiểm soát giá đối với thịt gà và trứng – có hiệu lực từ năm 2022. Trong khi ngành năng lượng mới của Malaysia sẽ được hưởng lợi nhờ việc tiếp tục được chính phủ hỗ trợ mở rộng cơ sở hạ tầng sạc điện cho xe điện và khuyến khích áp dụng xe điện thông qua các khoản hỗ trợ như giảm giá. Hơn nữa, Kuala Lumpur cũng đặt mục tiêu tăng cường lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời tại các cơ sở của chính phủ, với sự hợp tác của doanh nghiệp Tenaga Nasional Bhd.

Mặc dù Kế hoạch ngân sách chính phủ 2024 của Malaysia đánh dấu mức phân bổ lớn nhất trong lịch sử nước này, nhưng vẫn có một số ngành kinh tế trong nước không được hưởng lợi, bao gồm lĩnh vực hậu cần và giải trí và một số ngành công nghiệp sản xuất các loại thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Theo đó, Chính phủ Malaysia sẽ tăng thuế dịch vụ từ 6% lên 8% và mở rộng phạm vi các loại dịch vụ phải chịu thuế trong lĩnh vực hoạt động giải trí và hậu cần. Hơn nữa, Kuala Lumpur cũng thông báo sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, các sản phẩm thuốc lá khi nước này tiếp tục theo đuổi luật chống hút thuốc.         

Về tổng quát, các nhà phân tích kinh tế Malaysia cho rằng Kế hoạch ngân sách 2024 là toàn diện và tập trung vào phúc lợi của người dân, cũng như đưa ra được các chiến lược nhằm thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển tốt hơn. Nhà phân tích chính trị và là thành viên cấp cao của Hội đồng Giáo sư Quốc gia, Tiến sỹ Datuk Jeniri Amir, cho biết ngân sách này phù hợp với quan điểm của nền kinh tế Madani, có tính đến lợi ích và phúc lợi của người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Ông nói: "Trọng tâm của ngân sách lần này phù hợp với nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề khác nhau mà người dân phải đối mặt như chi phí sinh hoạt và phát triển cao ở Sabah và Sarawak”.

Theo Tiến sỹ Amir, việc phân bổ ngân sách của Chính phủ Malaysia đảm bảo rằng người dân có được nguồn cung cấp hàng hóa cơ bản với giá cả hợp lý trong tình huống đất nước đang phải đối mặt với vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao, đồng thời cũng phản ánh cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước lên mức tốt hơn trong thời điểm có những thách thức và bất ổn kinh tế toàn cầu này, nhưng đồng thời hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển và phúc lợi của đất nước.

Thủ tướng Anwar Ibrahim, khi lập Ngân sách năm 2024, nói rằng việc hợp lý hóa trợ cấp sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn từ năm tới. Ông Ibrahim cho biết, chi tiêu cho trợ cấp theo Ngân sách 2024 dự kiến sẽ tăng lên 81 tỷ RM so với 64 tỷ RM theo Ngân sách 2023 do chính phủ có động thái duy trì giá hàng hóa được trợ cấp bất chấp giá hàng hóa thế giới tăng bất thường.

Bình luận về động thái của chính phủ nhằm cải thiện công tác quản trị các công ty liên kết với chính phủ (GLC) và quản lý nợ của đất nước, Tiến sỹ Amir cho rằng hoạt động quản trị tốt giữa các Bộ và cơ quan chính phủ với tất cả các bên trong việc quản lý quỹ và dự án cho người dân là một khía cạnh quan trọng. Ông nhấn mạnh: “Điều này nhằm đảm bảo không xảy ra rò rỉ, lãng phí gây bất lợi cho người dân, đất nước, ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước với thế giới bên ngoài… Chỉ với nhận thức cao và thực thi đúng nguyên tắc này, chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân bổ cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho cơ sở và người dân”.

Trong khi đó, giảng viên cao cấp về truyền thông tại Đại học Putra Malaysia (UPM), Tiến sỹ Syed Agil Alsagoff, cho biết, ông nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa kế hoạch kinh tế Madani và ngân sách Malaysia năm 2024. Ông Alsagoff khẳng địn ngân sách năm tới ưu tiên cho việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao cơ sở hạ tầng công cộng cũng như đảm bảo việc phân bổ phân bổ của chính phủ cho một số bên nhất định.

Ông nói: “Bằng cách cải thiện khả năng quản lý của các cơ quan chính phủ, các khoản phân bổ có thể được giải ngân một cách hiệu quả, nhanh chóng và hiệu quả cho các bên mục tiêu”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục