Mỹ cân nhắc bỏ khoản thuế 15% đối với 112 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

11:13' - 05/11/2019
BNEWS Nhà Trắng đang xem xét việc rút lại mức thuế 15% có hiệu lực từ ngày 1/9 áp lên lượng hàng hóa trị giá 112 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Theo các nguồn tin thân cận, giới chức trong Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giữa lúc hai nước đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận để tạm ngừng cuộc chiến thương mại sớm nhất trong tháng này.

Cụ thể, các nguồn tin cho biết Nhà Trắng đang xem xét việc rút lại mức thuế 15% có hiệu lực từ ngày 1/9 áp lên lượng hàng hóa trị giá 112 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng và màn hình hiển thị.

Cũng trong giai đoạn này, tờ Politico ngày 4/11 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đang gia tăng sức ép buộc Mỹ gỡ bỏ mức thuế nêu trên.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng muốn phía Mỹ giảm mức thuế 25% đang áp lên khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này, bao gồm các mặt hàng máy móc, chất bán dẫn và đồ nội thất.

Hiện phía Mỹ chưa đưa ra bất cứ quyết định chính thức nào. Nếu được thông qua, quyết định này của Washington sẽ thỏa mãn yêu cầu quan trọng của Bắc Kinh khi các nhà đàm phán hai bên thảo luận về điều khoản của thỏa thuận đình chiến thương mại, một văn bản được kỳ vọng sẽ sớm được Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết.

Tuy nhiên, Washington nhiều khả năng sẽ muốn Bắc Kinh đưa ra những động thái “có đi có lại”, bao gồm tăng cường các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, tăng quy mô thu mua nông sản Mỹ và chấp nhận ký kết thỏa thuận trên đất Mỹ.

Một nguồn tin thân cận cho hay ngày càng có nhiều quan chức trong Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng Mỹ nên có những nhượng bộ về chính sách thuế hiện hành. Song chưa rõ liệu bản thân Tổng thống Trump có chia sẻ quan điểm này hay không.

Trong khi đó, những quan chức có tư tưởng cứng rắn trong Chính quyền Trump có thể sẽ phản đối quyết định trên với lý do rằng Washington sẽ để mất lợi thế nếu rút lại các khoản thuế mới.

Động thái này cùng sẽ không có lợi cho Tổng thống Trump khi sẽ có dư luận rằng ông dễ “khuất phục” trước Trung Quốc trong bối cảnh ông đang tiến hành chiến dịch tái tranh cử.

Hồi đầu tháng 10/2019, các quan chức Mỹ đã tạm hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vốn từng được ấn định có hiệu lực từ ngày 15/10, sau khi các nhà đàm phán của Bắc Kinh sang thăm Washington.

Giới chức Mỹ cũng ngỏ ý cho biết Trung Quốc có thể tránh được khoản thuế áp lên số hàng hóa trị giá 156 tỷ USD, bao trùm hầu như toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, vào giữa tháng 12 tới nếu chấp nhận ký thỏa thuận với Washington.

Ông Ralph Winnie, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Eurasia, cho rằng việc ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” sẽ giúp thúc đẩy cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, đồng thời giúp ông Trump ghi điểm với nhóm cử tri nông dân vốn đóng vai trò rất quan trọng.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Trump đã buộc Trung Quốc hạn chế các khoản trợ cấp lớn cho các công ty nhà nước và chấm dứt hành vi ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc để được kinh doanh tại nước này.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, thỏa thuận “Giai đoạn 1” sẽ không giải quyết thỏa đáng những vấn đề trên mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc yêu cầu Trung Quốc mua thêm nông sản Mỹ, bên cạnh việc nâng cao quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ liên quan đến vấn đề bản quyền và thương hiệu.

Ông Charles Boustany, cựu nghị sĩ đến từ bang Louisiana và là cố vấn tại Cục nghiên cứu quốc gia Mỹ về khu vực châu Á, nói rằng bất kỳ thỏa thuận cơ bản nào mà hai nước đạt được cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn và không ổn định.

Một số hội đoàn kinh doanh cũng lên tiếng phàn nàn rằng một vấn đề cốt lõi của thỏa thuận "Giai đoạn một" - tăng khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc - sẽ chưa được giải quyết, vì sự không nhất quán trong luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục