Mỹ can thiệp vào chính sách năng lượng châu Âu?

05:30' - 23/01/2019
BNEWS Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã bóng gió đề cập tới khả năng Washington áp đặt trừng phạt đối với những công ty ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Nội dung từ bức thư trên đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới chuyên gia và báo chí Đức khi đánh giá đó là lời "đe dọa" áp đặt các biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump với Đức và các công ty trong việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Trước những đe dọa về các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của Mỹ, tờ Handelsblatt cho rằng Chính phủ liên bang Đức đang quan sát với trạng thái rất lo ngại rằng Mỹ không từ bỏ nỗ lực ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi.

Các lời đe dọa về lệnh trừng phạt đã được đưa ra tại Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Berlin Grenell. Ông Grenell đã gửi thư cảnh báo các công ty về các biện pháp trừng phạt hiện hữu nếu các công ty này tiếp tục tham gia Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo giới chuyên gia Đức, mối đe dọa ngày càng tăng về các lệnh trừng phạt có thể được giải thích rằng, Chính phủ Mỹ muốn tác động đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ bởi niềm tin chiến lược của chính phủ Tổng thống Trump, mà còn bởi sự thay đổi trong động lực quyền lực ở Washington. 

Bà Julianne Smith, từng là cố vấn an ninh cho Phó Tổng thống Joe Biden (chính phủ trước đây), hiện đang làm việc tại Học viện Robert Bosch ở Berlin đánh giá, thành công của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã đặt ra giới hạn cho chương trình nghị sự trong nước của ông Trump. Do đó, có khả năng ông Trump sẽ chuyển nhiều hơn sang chính sách đối ngoại. Điều đó có thể gây rắc rối cho Đức.

Theo Handelsblatt, Mỹ đang nhắm tới mục tiêu đặc biệt là các công ty xây dựng chuyên môn cao, đang thực hiện việc xây dựng các đường ống dưới đáy biển của dự án. Các công ty sẽ bị ảnh hưởng bao gồm Tập đoàn Allseas - có trụ sở tại Châtel-Saint-Denis, Thụy Sỹ và công ty Saipem của Italy.

Giới quan sát đánh giá, sự đe dọa từ Mỹ có khả năng gây ra sự bất ổn đáng kể ở cả hai công ty. Trong đó, gánh nặng chính thuộc về Tập đoàn Allseas - nhà cho thuê tàu lắp đặt đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 với 90% đường ống. Hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng đối với cả dự án và cho chính công ty Allseas. 

Trong phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã nói rằng, Đức đang trao đổi chuyên sâu với Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2. Đức khuyến khích các cuộc thảo luận ở tất cả các cấp để nhìn nhận Dòng chảy phương Bắc 2 trước hết là một dự án kinh tế quan trọng có thể giúp cải thiện an ninh nguồn cung của châu Âu. 

Mặt khác, Đức cho rằng, theo quy định của châu Âu, việc quyết định cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng của châu Âu là tùy thuộc vào người châu Âu. Bộ Ngoại giao Đức gần đây đã bác bỏ những chỉ trích gay gắt hơn của Chính phủ Mỹ đối với đường ống biển Baltic và nhấn mạnh đường ống không phải là điều gì đặc biệt giữa Đức và Nga. 

Phát biểu nhân dịp đón Năm Mới 2019 tại Hiệp hội doanh nghiệp Đức - Đông Âu, ông Maas nói rằng, câu hỏi về chính sách năng lượng châu Âu phải được quyết định ở châu Âu, chứ không phải ở Mỹ. Trước đó vài tháng, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Andreas Michaelis cũng nhấn mạnh rằng "lợi ích cốt lõi" của châu Âu bị đe dọa và không muốn chính sách năng lượng châu Âu được xác định bởi Washington.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ làm đảo lộn hoàn toàn các cuộc tranh luận của Đức. Nếu các lệnh trừng phạt vẫn được áp đặt, đây sẽ là một gánh nặng lớn cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Đức và Mỹ.

Ở Đức, Dòng chảy phương Bắc 2 lâu nay đã gây tranh cãi, đặc biệt là từ phe Liên minh đã kêu gọi nhiều tháng để rút hỗ trợ chính trị khỏi dự án. Các chính trị gia như Norbert Röttgen (trưởng ban Ngoại giao - đảng CDU) và Jürgen Hardt (phát ngôn viên chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ CDU/CSU) chỉ trích rằng, Chính phủ liên bang có quá ít sự lo ngại, đặc biệt là ở Đông Âu, về khát vọng quyền lực của Nga. 

Ông Jürgen Hardt cho rằng, các mối đe dọa đối với các công ty Đức là "sự thắt chặt một phía mới và không thể chấp nhận được trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương". Chính phủ liên bang nên phản đối nó.

Lãnh đạo Đảng Xanh Katrin Göring-Eckardt gần đây đã kêu gọi Chính phủ Đức rút hỗ trợ chính trị khỏi Dòng chảy phương Bắc 2. Lý do là trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, Đức nên "phát đi một tín hiệu rõ ràng về tình đoàn kết châu Âu".

Truyền thông Đức đánh giá, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ làm đảo lộn hoàn toàn cuộc tranh luận của Đức. Ở Đức, sức đề kháng đối với Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị suy yếu nếu các nhà chỉ trích đường ống phải quyết định nên đứng về phía ông Trump hay Chính phủ liên bang. 

Một sự can thiệp của Mỹ vào chủ quyền của Đức khó có thể chấp thuận được. Vì lý do này, tại Mỹ đang có những chỉ trích cách tiếp cận đối đầu của chính quyền Tổng thống Trump.

Trong khi đảng Dân chủ kiên quyết phản đối đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, họ thậm chí còn bận tâm hơn bởi chính sách đối ngoại đơn phương của Tổng thống Trump. Chuyên gia an ninh Mỹ Smith cho rằng, giữa Đức và Mỹ bây giờ cần phải có một chương trình nghị sự tích cực.

Cho đến nay, Chính phủ Mỹ chưa làm được điều này. Ông Smith đánh giá, hành vi của Chính phủ Mỹ là phản tác dụng và rất mâu thuẫn, nghịch lý khi Mỹ không muốn Đức đưa ra quyết định chủ quyền của mình về đáp ứng các nguồn năng lượng.

Quan hệ đối tác năng lượng Đức - Nga không chỉ gây nên mối nghi ngờ đối với Mỹ, mà còn đối với nhiều quốc gia EU, đặc biệt những lời chỉ trích gay gắt đến từ Ba Lan. Theo Handelsblatt, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek - Czaputowicz đã kêu gọi ngừng ngay lập tức việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 bởi đường ống này làm suy yếu các biện pháp trừng phạt chống Nga và đe dọa nền độc lập của Ukraine.

Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng Đức "hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng của Nga". Ông cáo buộc người Đức đã trả hàng tỷ USD cho Nga để cung cấp khí đốt và sau đó được Mỹ bảo vệ trước Moskva. Mặt khác, tại Berlin và Brussels, từ lâu, người ta đã nghi ngờ rằng Mỹ cũng đang tìm kiếm một thị trường bán hàng cho các mỏ khí đá phiến đang phát triển. Do chi phí vận chuyển qua Đại Tây Dương, khí đốt của Mỹ vẫn chưa cạnh tranh.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu. Lâu nay, Mỹ cực lực phản đối dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, người đồng cấp Trump đang theo đuổi lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục