Mỹ đe dọa quyền quyết định tỷ giá hối đoái của Hàn Quốc

05:30' - 13/04/2018
BNEWS Trong khi xuất hiện lo ngại Hàn Quốc sẽ mất “chủ quyền” hoạt động trên thị trường hối đoái sau một thỏa thuận với Mỹ nhằm cải thiện sự minh bạch, đồng won Hàn Quốc đã tăng giá nhanh so với đồng USD.
Mỹ đe dọa quyền quyết định tỷ giá hối đoái của Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN 

Trong khi Chính phủ Hàn Quốc nói không có vấn đề gì trong việc kiểm soát sự dao động của tỷ giá hối đoái thì giới phân tích lại cho rằng thỏa thuận này có thể trở thành một sợi dây trói buộc. Tỷ giá đồng won Hàn Quốc so với đồng USD cuối ngày 3/4 đã giảm xuống mức 1.054,2 won/USD, mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giảm trước cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên, lời thông báo Hàn Quốc đang đàm phán với Mỹ để cải thiện sự minh bạch trong việc “dàn xếp” tỷ giá hối đoái đang kéo tỷ giá đồng won/USD giảm xuống. 

Mặc dù hai nước chưa hoàn tất những điều khoản cụ thể về việc sẽ cải thiện sự minh bạch như thế nào, song Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ công khai “các hoạt động can thiệp” của mình vào thị trường này. Giống như bất kỳ nước nào, Hàn Quốc đã và đang kiểm soát đồng USD để giảm thiểu sự biến động tỷ giá.

Một quan chức Bộ Tài chính Hàn Quốc nói: “Tỷ giá hối đoái về cơ bản do thị trường quyết định, song các hoạt động can thiệp vẫn được chấp nhận trên toàn cầu trong trường hợp có những sự biến động rất lớn. Sẽ không có sự thay đổi các chính sách ngay cả khi chúng tôi công khai những việc này, và chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động như vậy”.

Tuy nhiên, thị trường dường như không tán đồng. Các nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc có thể giảm bớt các hoạt động can thiệp trong khi đưa ra ước tính tỷ giá đồng won/USD có thể rớt xuống dưới 1.000 won/USD nếu chính quyền nước này nới lỏng sự kiểm soát. 

Lee Mi-seon, một nhà phân tích làm việc cho tổ chức đầu tư tài chính Hana, nói: "Trong khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ sửa đổi dự kiến sẽ có ảnh hưởng không đáng kể tới nền kinh tế Hàn Quốc thì thỏa thuận về thị trường hối đoái sẽ có ảnh hưởng lớn, từ xuất khẩu và lạm phát cho tới vốn đầu tư của nước ngoài vì Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức giảm các hoạt động can thiệp”. 

Nữ chuyên gia này cho rằng Chính phủ Hàn Quốc thậm chí có thể hạn chế sự bình thường hóa các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương. "Vì xuất khẩu đối mặt với những sự bất ổn do đồng won mạnh hơn nên Ngân hàng Trung ương sẽ không có nhiều dư địa khi đưa ra các chính sách quan trọng về tỷ giá hối đoái. 

Giáo sư Oh Jung-geun giảng dạy tại trường Đại học Konkuk cho rằng Hàn Quốc có thể theo bước Nhật Bản, nước đã phải hứng chịu 2 thập kỷ thua thiệt vì một đồng yên mạnh sau Hiệp định Plaza ký năm 1985. “Vấn đề là Chính phủ Hàn Quốc sẽ không có công cụ nào, ngay cả khi sự can thiệp là cần thiết", vị Giáo sư này nói.

Ông chỉ ra rằng Hàn Quốc có thể có thặng dư tài khoản vãng lai vì nhiều lý do khác nhau ngoài lý do đồng won bị định giá thấp, ví dụ như lý do thị trường chất bán dẫn sôi động kéo tổng kim ngạch xuất khẩu lên cao hay lý do sụt giảm nhập khẩu do tăng trưởng chậm chạp chẳng hạn. Ông nói: "Nếu Hàn Quốc cho rằng thặng dư tài khoản vãng lai là do đồng won yếu thì tất cả các hãng xuất khẩu nước này sẽ bị đe dọa”. 

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hyundai, tỷ giá đồng won/USD giảm 1% sẽ làm giảm xuất khẩu 0,51%. Ông cũng chỉ ra việc Mỹ đang cho phép Nhật Bản duy trì chính sách “đồng yên yếu”. "Việc định giá quá cao đồng won cùng với một đồng yên được định giá quá thấp sẽ gây tổn hại đáng kể cho các hãng trong nước. Chính phủ sẽ tự trói buộc mình bằng cách công khai các hoạt động can thiệp", ông giải thích.

Mặc dù tỷ giá đồng won/USD sụt giảm mạnh, song Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang do dự trong việc đưa ra bất kỳ biện pháp can thiệp nào trong khi nghe ngóng xem Bộ Tài chính Mỹ có đưa mình vào danh sách những nước can thiệp vào tỷ giá hối đoái trong báo cáo tháng 4 này hay không. 

Trong báo cáo 6 tháng một lần, Mỹ xác định một nước thao túng tiền tệ nếu nước đó có thặng dư tài khoản vãng lai, thặng dư thương mại với Mỹ và mua vào đồng USD. Hàn Quốc đã bị đưa vào danh sách theo dõi trong báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái khi phạm phải 2 “tiêu chuẩn” đầu tiên. 

Jeon Seung-ji, một nhà phân tích tỷ giá hối đoái làm việc cho tập đoàn Samsung kết luận: "Tỷ giá đồng won/USD sẽ đối mặt với sức ép giảm sâu hơn do chính phủ đang do dự trong việc can thiệp”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục