Mỹ: Hoạt động sản xuất giảm tháng thứ ba liên tiếp

16:00' - 02/07/2024
BNEWS Hoạt động sản xuất của Mỹ giảm tháng thứ 3 liên tiếp do nhu cầu vẫn yếu, trong khi sự sụt giảm của thước đo mức giá mà các nhà máy trả cho đầu vào cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.

Hoạt động sản xuất của Mỹ suy giảm tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng Sáu vừa qua, do nhu cầu vẫn yếu, trong khi sự sụt giảm của thước đo mức giá mà các nhà máy trả cho đầu vào cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này có thể tiếp tục giảm.

Theo báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6/2024 giảm xuống còn 48,5, thấp hơn mức dự báo 49,1 và cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực này. Đây là tháng thứ 19 trong 20 tháng qua chỉ số PMI ở dưới mức 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

 

Sự yếu kém trong hoạt động sản xuất vào cuối quý II được phản ảnh trong hầu hết các lĩnh vực. Các lĩnh vực đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm máy móc, thiết bị vận tải, thiết bị điện tử và sản phẩm kim loại chế tạo. Điểm sáng duy nhất là một số lĩnh vực sản xuất như hóa chất và sản phẩm kim loại chính ghi nhận tăng trưởng.

Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh sản xuất thuộc ISM, Timothy Fiore mô tả các nhà sản xuất đang thể hiện "sự không sẵn lòng đầu tư vào tư liệu sản xuất và hàng tồn kho do chính sách tiền tệ hiện tại và các điều kiện khác".

Hoạt động sản xuất đang chịu áp lực bởi lãi suất cao hơn và nhu cầu hàng hóa giảm, mặc dù đầu tư kinh doanh phần lớn vẫn được duy trì. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã giảm với tốc độ 4,3% trong quý I/2024, với phần lớn sự sụt giảm đến từ hàng hóa sản xuất lâu dài.

Áp lực lạm phát có thể giảm bớt trong bối cảnh hoạt động sản xuất chậm lại. Chỉ số giá đầu vào của ISM, thước đo giá cả mà các nhà sản xuất trả cho nguyên vật liệu và dịch vụ, đã giảm xuống mức 52,1 trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ tháng 12. Điều này cho thấy chi phí đầu vào đang giảm, có thể dẫn đến giá cả sản phẩm thấp hơn cho người tiêu dùng trong tương lai.

Xu hướng này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9, mặc dù các nhà hoạch định chính sách gần đây đã tỏ ra thận trọng hơn về triển vọng kinh tế.

Theo dự báo của ngân hàng Bank of America (BofA), tình trạng thiếu nhà ở, giá cao vẫn kéo dài tại Mỹ. Cùng với đó, lãi vay mua nhà có thể không giảm nhiều ngay cả khi Fed cắt giảm lãi suất.

Giá bất động sản tăng vọt trong thời kỳ COVID-19. Sau đó, cuộc chiến chống lạm phát của Fed khiến lãi suất tăng cao. Tình trạng này khiến việc mua nhà lúc này trở nên khó khăn.

Tháng trước, giá nhà trung bình đã tăng tháng thứ 11 liên tiếp, lên mức kỷ lục 419.300 USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Bank of America dự báo bất động sản tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đắt thêm 4,5% trong năm nay và 5% vào năm sau, trước khi giảm 0,5% vào năm 2026.

Trong khi đó, dữ liệu từ hãng thế chấp Freddie Mac cho biết lãi suất trung bình của khoản vay cố định 30 năm đã đạt mức cao nhất trong sáu tháng, là 7,22% vào đầu tháng Năm. Mức này giảm xuống quanh 6,87% vào ngày 20/6.

Ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets, nhận định mặc dù chi phí đi vay tăng cao và tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Mỹ ước tính tăng trong quý II/2024.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs đã nâng ước tính tăng trưởng GDP trong quý II/2024 của Mỹ lên 3,2%, từ mức dự báo trước đó là 3,1%.

Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng Chín tới. Ngân hàng này đã giữ lãi suất ở mức 5,25% -5,50% kể từ tháng 7/2023. Triển vọng nới lỏng chính sách của Fed vào cuối quý III/2024 đã nhận được sự thúc đẩy từ cuộc khảo sát mới đây của Đại học Michigan cho thấy, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã được cải thiện vào cuối tháng 5/2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục