Mỹ kiện Apple với cáo buộc duy trì trái phép thế độc quyền

08:42' - 23/03/2024
BNEWS Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Apple với cáo buộc hãng công nghệ này duy trì trái phép thế độc quyền đối với điện thoại iPhone, bằng cách kìm hãm cạnh tranh và áp đặt chi phí đắt đỏ với người tiêu dùng.

Vụ kiện cũng do nhiều bang của Mỹ đưa ra, trong đó cho biết Apple đã thu về hàng trăm tỷ USD bằng cách gây khó khăn cho người tiêu dùng khi họ muốn chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh và thiết bị khác rẻ hơn.

 

Tin tức về vụ kiện đã khiến cổ phiếu của Apple có lúc giảm tới 4,3% trên Phố Wall trong phiên 21/3. Khép lại phiên này, cổ phiếu của “Táo khuyết” mất 4,09% xuống 171,37 USD/cổ phiếu.

Trọng tâm của vụ kiện là các hành vi mang tính loại trừ cạnh tranh của Apple. Vụ kiện cáo buộc tập đoàn đã đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt, đôi khi không rõ ràng đối với các công ty và nhà phát triển muốn tiếp cận 136 triệu người dùng iPhone ở Mỹ. Những quy tắc và quy định này được thiết kế để buộc người dùng Apple ở lại hệ sinh thái Apple và mua iPhone.

Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nói thêm rằng nếu không bị thách thức, Apple sẽ chỉ tiếp tục củng cố sự độc quyền trên lĩnh vực điện thoại thông minh của mình.

Vụ kiện chỉ ra những hành vi mà phía Chính phủ Mỹ cho là đang làm cho Apple trở nên giàu có hơn, gây bất lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ cho người tiêu dùng.

Sau khi có thông tin, phía Apple đã phản hồi rằng vụ kiện "sai về sự thật và luật pháp” và khẳng định sẽ mạnh mẽ kháng cáo. Trong tuyên bố sau đó, Apple cho rằng nếu thành công, vụ kiện sẽ "đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, tăng quyền lực cho chính phủ trong việc thiết kế công nghệ của con người”.

Apple cũng lập luận rằng vụ kiện của Chính phủ Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho các công ty từ lâu muốn kinh doanh miễn phí trên iPhone.

Vụ kiện cáo buộc Apple đã ngăn cản việc tạo ra các siêu ứng dụng (Supper Apps), một dạng ứng dụng tập hợp cho phép người tiêu dùng truy cập vào các dịch vụ như nhắn tin, mạng xã hội, thanh toán di động, âm nhạc, ảnh và phim ở cùng một nơi.

Những “gã khổng lồ” công nghệ khác như Meta từ lâu đã mơ ước tung ra những siêu ứng dụng như vậy trên iPhone, vốn chiếm khoảng 2/3 thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ.

Các cáo buộc cũng nhắm vào Wallet của Apple. Đây là ứng dụng thanh toán phổ biến nhất đối với người dùng iPhone, song nó bị cáo buộc đã ép các ngân hàng và những người khác cung cấp dịch vụ phải trả phí cho công ty.

Ứng dụng nhắn tin của Apple cũng bị chú ý khi các công tố viên cáo buộc Apple gây khó khăn cho người dùng trong việc tương tác với người dùng điện thoại Android, tạo sức ép khiến họ chọn mua iPhone đắt tiền hơn.

Đơn kiện cũng cáo buộc rằng những hành vi này xuất hiện cả trên các dịch vụ khác như trình duyệt web, ứng dụng giải trí và thậm chí cả dịch vụ ô tô.

Vụ kiện nêu trên đã đưa Apple vào thế đối đầu với Washington, sau khi Apple phần lớn đã thoát khỏi sự giám sát của chính phủ trong gần nửa thế kỷ qua. Apple cùng với Amazon, Google và Meta (chủ sở hữu Facebook) cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ.

Tuy nhiên, một số học giả pháp lý bày tỏ nghi ngờ về tính rõ ràng của vụ kiện độc quyền vì iPhone không phải là hãng điện thoại duy nhất trên thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục