Các “ông lớn” công nghệ chỉ trích Apple tính phí quá cao khi mua hàng trong ứng dụng

10:59' - 21/03/2024
BNEWS Meta, Microsoft, X và “gã khổng lồ” hẹn hò trực tuyến Match Group ngày 20/3 đã lên tiếng chỉ trích Apple vì tính phí quá cao khi mua hàng trong ứng dụng.

Bốn công ty đã đệ trình một bản tóm tắt chung lên tòa án bang California phụ trách việc áp dụng phán quyết rằng, Apple phải cho phép các công ty liên kết những lựa chọn thanh toán thay thế nằm ngoài cửa hàng ứng dụng App Store cho người dùng iPhone.

 
Phán quyết đó bắt nguồn từ một vụ kiện năm 2020 của “ông lớn” ngành trò chơi điện tử Epic Games. Công ty đã đấu tranh với Apple tại các tòa án trên toàn cầu trong nhiều năm về các chính sách nghiêm ngặt của mà công ty công nghệ áp cho App Store.

Apple yêu cầu mức phí hoa hồng tới 30% đối với tất cả các giao dịch tài chính trong cửa hàng ứng dụng của họ, khiến nhiều bên phàn nàn về khoản "thuế" không công bằng đối với các công ty.

Một tòa án liên bang ở San Francisco đã bác bỏ vụ kiện của Epic Games vào năm 2021. Tòa cũng đưa ra một nhượng bộ rằng các ứng dụng có thể liên kết với phương thức thanh toán khác cho các dịch vụ không thuộc hệ sinh thái của Apple.

Nhưng cách Apple tuân thủ lệnh của tòa vào đầu năm nay đã dẫn tới phản ứng dữ dội từ Epic Games. Nhà phát triển trò chơi đã đưa việc này ra tòa với lập luận rằng phía Apple đang đi ngược lại ý định của thẩm phán.

Giải pháp được đề xuất của Apple cho phép họ tính phí trong khoảng từ 12-27% khi người dùng mua ứng dụng bên ngoài App Store. Song số tiền này không giảm nhiều so với số tiền Apple tính cho các giao dịch bên trong cửa hàng ứng dụng trực tuyến.

Trong hồ sơ chung được công bố vào thứ Tư, Meta, Microsoft, X và Match đã bày tỏ ủng hộ Epic và cho hay: ”Kế hoạch của Apple không phù hợp với nội dung cũng như tinh thần trong lệnh từ Tòa án”.

Họ nói thêm: “Các hạn chế mới của kế hoạch được thiết kế rõ ràng để khiến các lựa chọn thay thế cho việc mua hàng trong ứng dụng của Apple trở nên không thực tế đối với các nhà phát triển, đồng thời không thể tiếp cận và không hấp dẫn đối với người dùng”.

Phía Apple khẳng định đã "hoàn toàn tuân thủ” lệnh của thẩm phán, vốn cho phép hãng thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dùng.

Trong tuyên bố tuân thủ gửi tới tòa án, Apple cho biết các biện pháp này cũng "chống lại việc sử dụng không trả phí nền tảng, dịch vụ của Apple... cũng như các công cụ và công nghệ độc quyền được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ”.

Trong thời gian qua, Apple gặp một số khó khăn liên quan tới vấn đề pháp lý. Ngày 4/3, Liên minh châu Âu (EU) phạt 1,8 tỷ euro (1,95 tỷ USD) đối với Apple vì vi phạm luật chống độc quyền của EU khi ngăn chặn ứng dụng nghe nhạc Spotify và các dịch vụ âm nhạc phát trực tiếp khác bằng cách không thông báo cho người dùng các tùy chọn thanh toán ngoài kho ứng dụng App Store của Apple.

Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU cho biết những biện pháp hạn chế của Apple cấu thành những điều kiện giao dịch không công bằng. Đây là một cách lập luận tương đối mới trong một vụ án chống độc quyền song cũng đã được cơ quan chống độc quyền của Hà Lan đưa ra trong quyết định đối với Apple vào năm 2021, liên quan vụ án mà bên khiếu nại là các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò.

Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU nêu rõ họ đã bổ sung thêm tổng số tiền phạt 1,8 tỷ euro vào số tiền phạt cơ bản như một biện pháp ngăn chặn đối với Apple và vì một phần đáng kể thiệt hại do động thái mà Apple gây ra là phi tiền tệ. Nhưng cơ quan này không tiết lộ cụ thể mức tiền phạt cơ bản.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề chống độc quyền Margrethe Vestager nhấn mạnh, trong một thập kỷ, Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trên thị trường phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông qua App Store. Họ hạn chế các nhà phát triển thông báo tới người dùng về những dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn sẵn có bên ngoài hệ sinh thái Apple. Theo quy định của EU, điều này là bất hợp pháp.

Quan chức trên cũng đã yêu cầu Apple gỡ bỏ các hạn chế trên App Store, lặp lại yêu cầu tương tự theo các quy tắc công nghệ mới của EU được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) mà tập đoàn này phải tuân thủ kể từ ngày 7/3.

Apple đã phản đối quyết định trên, cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào về tác hại đối với người tiêu dùng, đồng thời bỏ qua thực tế của một thị trường đang phát triển nhanh, mạnh mẽ và đầy tính cạnh tranh. Tập đoàn này tuyên bố sẽ kháng cáo lên tòa án. 

Quyết định của EC được kích hoạt kể từ một khiếu nại vào năm 2019 của dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify (Thụy Điển) về vấn đề chặn ứng dụng nghe nhạc này tiếp cận với người dùng và phí App Store 30% của Apple.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục