Mỹ: Lạc quan với mức tăng lương và thị trường việc làm (Phần 2)

06:30' - 26/09/2018
BNEWS Dean Baker, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho biết “còn quá sớm để giả định một xu hướng rõ ràng”.
Trụ sở Fed ở thủ đô Washington, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Điểm nổi bật nhất trong báo cáo việc làm tháng Tám là tốc độ tăng thù lao tính theo giờ trung bình cao nhất trong vòng 9 năm.

Tuy nhiên, nhìn nhận trên số liệu về thu nhập do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis công bố, trong đó mức tăng thu nhập tính theo giờ trung bình đã được điều chỉnh theo lạm phát chỉ tăng hơn 1%. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Bảy tăng 2,9% - mức cao nhất trong 10 năm.

Dean Baker, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho biết “còn quá sớm để giả định một xu hướng rõ ràng”, đồng thời ông nhắc lại rằng tốc độ tăng lương hàng năm đã đạt 2,8% trong tháng 7/2016 nhưng sau đó lại đi xuống. 

Mặt khác, có những yếu tố khác lý giải về tốc độ tăng lương còn ì ạch ở Mỹ. Cụ thể là có những nhóm người lao động sẵn sàng chấp nhận thù lao thấp để đổi lại giờ làm việc linh hoạt hoặc một số điều kiện có lợi cho họ. Ngoài ra, còn tồn tại một tâm lý hậu khủng hoảng tài chính sau năm 2008 trong lực lượng lao động.

Một bài viết trên tờ Financial Times cho hay, mặc dù khó có thể giải thích nỗi sợ thất nghiệp bằng những con số thống kê, đây là một lời giải thích đáng tin cậy đặc biệt là khi người tiêu dùng thường có xu hướng trông cậy vào thẻ tín dụng trong mua sắm.

“Nợ nần” khiến người ta có xu hướng “dễ chấp nhận” miễn là có công việc. Tăng trưởng trong sử dụng thẻ tín dụng và doanh thu bán lẻ hiện ở mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, báo cáo việc làm khả quan sẽ mở đường cho kế hoạch tăng lãi suất của Fed, mà cuộc họp gần nhất sẽ diễn ra vào cuối tháng Chín. Điều đó có thể khiến cho các khoản thế chấp điều chỉnh theo lãi suất và các khoản nợ thẻ tín dụng trở nên đắt đỏ hơn. Mức tăng lương cao hơn cũng có thể gây áp lực lên lạm phát đang gia tăng của nước này. 

Cuối tháng trước, bà Esther George, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Kansas, cho rằng tiến hành thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay có thể là “thích hợp” trước đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang từng bước phục hồi hiện nay, Fed đã bảy lần tăng lãi suất kể từ tháng 12/2015, trong đó có hai lần được thực thi dưới thời đương kim Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell.

Kết quả khảo sát do hãng Reuters tiến hành cho thấy các nhà phân tích dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất thêm hai đợt trong năm nay và hai đợt nữa vào năm tới. Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ nhóm họp vào ngày 25-26/9 tới. 

Giới chuyên gia lưu ý vấn đề lo ngại hiện nay của Fed là căng thẳng thương mại có thể làm gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế Mỹ. Sau khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, giá cả một số mặt hàng nông sản của Mỹ đang rơi xuống thấp, trong khi giới doanh nghiệp sản xuất Mỹ đang phải nhập khẩu nguyên liệu với chi phí ngày càng tăng. 

Các quan chức Fed cho rằng căng thẳng thương mại vẫn chưa kìm hãm đà tăng trưởng của Mỹ nhưng điều đó có thể trở thành hiện thực nếu cuộc chiến này kéo dài. Nhà kinh tế Zandi thuộc Moody’s Analytics ước tính nếu các mức thuế mới Mỹ áp đặt với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc có hiệu lực, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm tới và số lượng việc làm mới có thể giảm khoảng 400.000.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục