Mỹ Latinh có khả năng giúp bình ổn thị trường dầu thế giới

10:45' - 25/04/2016
BNEWS Các nước sản xuất dầu Mỹ Latinh có thể giúp bình ổn thị trường “vàng đen” thế giới sau khi thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu toàn cầu đã kết thúc trong thất bại.
Mỹ Latinh có khả năng giúp bình ổn thị trường dầu thế giới. Ảnh: theaustralian.com.au

Theo một số chuyên gia phân tích, các nước sản xuất dầu Mỹ Latinh có thể giúp bình ổn thị trường “vàng đen” thế giới sau khi cuộc họp mới đây giữa các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm đi đến một thỏa thuận "đóng băng" sản lượng dầu toàn cầu đã kết thúc trong thất bại.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí Gary Ross, Chủ tịch hãng tư vấn PIRA trụ sở ở New York, khẳng định mặc dù không đạt được thỏa thuận tại cuộc họp diễn ra hôm 17/4 ở Doha song rõ ràng Mexico , Venezuela và Colombia đang tiến hành cắt giảm sản lượng dầu.

Ông Ross ước tính, sản lượng dầu thô dư thừa hiện nay trên thế giới vào khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, trong đó Mỹ có thể cắt giảm khoảng 700.000 thùng/ngày, về mức cách đây một năm; còn Venezuela có thể cắt giảm 150.000 thùng/ngày, Mexico có khả năng giảm khoảng 100.000 thùng/ngày và Colombia cũng có thể giảm đáng kể sản lượng khai thác.

Hy vọng sản lượng được cắt giảm ở châu Mỹ sẽ vào khoảng 1 triệu thùng/ngày, góp phần cân bằng cán cân cung - cầu trên thị trường “vàng đen” thế giới.

Venezuela và Ecuador, hai quốc gia thành viên của OPEC, đã nỗ lực thúc đẩy cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu từ năm ngoái trong bối cảnh việc giá dầu lao dốc ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu khí của hai quốc gia này.

Trong khi đó, ông Michael Cohen, phụ trách mảng nghiên cứu vềthị trường năng lượng của Barclays, cho rằng việc giá dầu lao dốc khiến các tập đoàn dầu khí Mỹ Latinh không có nhiều nguồn đầu tư vào ngành dầu khí, buộc họ phải cắt giảm sản lượng.

Trong quý I/2016, sản lượng dầu thô của Venezuela giảm 11,9%, xuống còn 2,53 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Colombia cũng sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng bởi công nghệ mà nước này sử dụng để khai thác dầu đã cũ, khiến giá thành sản xuất tăng cao và giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục