Mỹ Latinh: Những nguy cơ ẩn sau sự giảm tốc kinh tế

10:09' - 18/11/2015
BNEWS “Bữa tiệc” kinh tế mà Mỹ Latinh trải qua trong thập niên qua đang tàn, và hệ quả của việc kinh tế thế giới giảm tốc đang tác động mạnh đến khu vực này.
Người dân Venezuela mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng. Ảnh: thegardian.com

Trong các diễn đàn kinh tế gần đây, người ta ngày càng nói nhiều tới sự giảm tốc kinh tế của Mỹ Latinh.

Giá nguyên liệu lao dốc và điều kiện thanh khoản quốc tế tồi tệ hơn đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Mỹ Latinh.

Brazil, Venezuela và Argentina đang suy thoái, còn các nước thuộc Liên minh Thái Bình Dương, mặc dù kiểm soát tình hình tốt hơn, cũng có những vấn đề về gia tăng thâm hụt kép (tài chính và thương mại).

Theo đánh giá của mạng tin Infolatam, "cơn mưa" các chỉ số u ám về kinh tế vĩ mô cho thấy rõ rằng Mỹ Latinh đang rơi vào giai đoạn của “những con bò gầy”, nhưng họ lại che giấu nguy cơ thực sự mà khu vực này đang đối mặt.

Nguy cơ đó là giảm tốc kinh tế biến thành khủng hoảng chính trị khi mà những người vừa bước chân vào tầng lớp trung lưu nhận ra rằng họ có thể sớm rơi trở lại hoàn cảnh đói nghèo.

Phải thừa nhận rằng mặc dù các nước trong khu vực có không nhiều nguồn lực để áp dụng các chính sách chống khủng hoảng chu kỳ, nhưng như vậy là khá đủ để Mỹ Latinh không rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính từng “tàn phá” khu vực này trong những năm 1980 và 1990.

Nếu bối cảnh kinh tế quốc tế, giá các mặt hàng nguyên liệu và lãi suất dài hạn của Mỹ vẫn là những nguyên nhân chính tạo ra chu kỳ kinh tế tiêu cực mà đa số các nước Mỹ Latinh đang trải qua, thì khác với trước đây, các nước trong khu vực đã có những cơ chế “giảm xóc” tốt hơn.

Đa số họ đã áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt (cho phép “hấp thụ” các cú sốc biến động hối đoái bên ngoài), hạn chế được tỷ lệ lạm phát (trừ Venezuela và Argentina), phát hành nợ bằng đồng nội tệ, duy trì dự trữ ngoại tệ ở mức cao và có hệ thống tài chính ổn định, với các ngân hàng có mức vốn điều lệ cao hơn nhiều so với mức tối thiểu quy định trong Thỏa thuận Basel III.

Rõ ràng, đa phần các nước đã có "bệ đỡ" vững chãi để không bị sụp đổ trước những trồi sụt của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, điều mà các nước trong khu vực còn thiếu có lẽ là những cơ chế chính trị để củng cố những cải cách mới tiến hành, cho phép điều tiết việc phân chia gánh nặng điều chỉnh vào các thành phần xã hội một cách hợp lý và hợp pháp và nâng cao năng lực tăng trưởng kinh tế để tạo ra tâm lý tích cực trong xã hội.

Trong vài thập niên qua, thành tựu của Mỹ Latinh không nằm nhiều ở thay đổi cơ cấu kinh tế vĩ mô mà là ở công tác xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng xã hội và tăng cường hòa hợp xã hội.

Thế nhưng, tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài sẽ đồng nghĩa với việc những cải thiện trong đời sống của tầng lớp trung lưu mới nổi tại Mỹ Latinh sẽ chỉ là một ảo mộng thoáng qua.

Nếu điều đó xảy ra, căng thẳng xã hội sẽ bùng phát thành các vấn đề chính trị, và những vấn đề này sẽ lại cản trở những lối thoát khỏi khủng hoảng./.

Lê Hà (p/v TTXVN tại La Habana)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục