Mỹ lấy lại vị thế tại Mỹ Latinh

06:30' - 08/11/2018
BNEWS Mỹ đang lấy lại những gì đã mất tại Mỹ Latinh trong bối cảnh Washington đối đầu với Bắc Kinh trong một cuộc chiến toàn cầu nhằm giành được tài nguyên thiên nhiên, các thị trường và ủng hộ chính trị.
Tổng thống đắc cử của Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: AFP/TTXVN 
Sau thắng lợi vang dội của ứng cử viên cực hữu Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử tổng thống tại Brazil, giới quan sát ở châu Mỹ nhận định các nước trong khu vực cần chuẩn bị cho cái gọi là “hiệu ứng Bolsonaro” trong mọi lĩnh vực, từ chính trị đối ngoại, an ninh, thương mại cho tới những phương thức triển khai các chiến dịch chính trị.

Chuyên gia phân tích chính trị Pablo Seman của Argentina cho rằng chiến thắng của Bolsonaro đã củng cố đà phát triển mạnh mẽ của cánh hữu trong các cuộc bầu cử trước các chính phủ cánh tả thù địch với Mỹ, trong đó tiêu biểu là chiến thắng của Mauricio Macri ở Argentina, Sebastian Pinera ở Chile và Mario Abdo Benitez ở Paraguay. 

Chuyên gia Mark Weisbrot thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế ở Washington nhận định chiến thắng của Bolsonaro làm gia tăng lo ngại về sự trở lại của các chính quyền chuyên chế tại một khu vực từng phải chịu những hậu quả nặng nề của các chế độ độc tài quân sự. Tuy nhiên, có thể những thay đổi sẽ ở mức vừa phải. 

Ở một góc nhìn khác, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ Michael Shifter cho rằng việc chuyển sang một chính phủ chuyên chế có thể sẽ không quá cực đoan như lo ngại của một số người bởi các đảng chính trị truyền thống trong Quốc hội Brazil vẫn có khả năng tham gia kiểm soát và cân bằng quyền lực. 

Theo ông Shifter, có thể xuất hiện “hiệu ứng Bolsonaro” một cách khiêm tốn ở các nước láng giềng, đặc biệt tại những nước từng nằm dưới sự thống trị của chính quyền quân sự, song mỗi nước sẽ có những đặc thù riêng trong chính sách đối ngoại. Chính vì vậy, bất cứ ảnh hưởng nào cũng chỉ ở mức hạn chế.

Về phần mình, Ivan Briscoe - Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ Latinh của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group - cho rằng việc một sỹ quan quân sự về hưu lên nắm quyền tại Brazil có thể là dấu hiệu cho thấy sự xa rời nền dân chủ. Trong bối cảnh xã hội Brazil đang có sự biến động lớn, việc xuất hiện một chính phủ chuyên chế và quân sự dân tộc chủ nghĩa có thể sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với quyền dân sự, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác.

Một điểm đáng chú ý nữa trong các chính sách của Tổng thống đắc cử Bolsanaro là ông tuyên bố Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) - bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay - không phải là một ưu tiên trong chính sách thương mại của ông. Kể từ khi thành lập đến nay, Mercosur luôn có nguyên tắc không cho phép các nước thành viên ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) riêng rẽ với các đối tác. 

Thế nhưng, ông Bolsanaro lại bày tỏ ý định mở cửa cho các nước thành viên tự tìm kiếm các đối tác thương mại của riêng mình. Ông cam kết sẽ thực hiện một cuộc cải tổ thị trường tự do đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực này.

Chuyên gia Briscoe cho rằng ông Bolsonaro sẽ tiếp bước Macri và các chính phủ cánh hữu khác trong việc tìm kiếm những chính sách thương mại mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ. Với một chính phủ có quan điểm “Brazil trước tiên”, sẽ không có một điều kỳ diệu nào có thể mong đợi đối với một khối liên kết như Mercosur./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục