Mỹ mong muốn Ấn Độ xem xét lại quyết định cấm xuất khẩu lúa mỳ

16:28' - 17/05/2022
BNEWS Mỹ đang hy vọng Ấn Độ xem xét lại quyết định cấm xuất khẩu lúa mỳ, đồng thời kêu gọi các nước không hạn chế xuất khẩu vì điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.

Mỹ đang hy vọng Ấn Độ xem xét lại quyết định cấm xuất khẩu lúa mỳ, đồng thời kêu gọi các nước không hạn chế xuất khẩu vì điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine.

 


Ấn Độ, nước sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới, đã cấm xuất khẩu nhằm hạ nhiệt giá trong nước đang ở mức cao trong lúc lo ngại sản lượng bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng gay gắt; còn giá bán lẻ lúa mỳ và bột mỳ đã tăng trung bình 14-20% trong một năm qua. Quyết định này cũng là để hỗ trợ các nước láng giềng cũng như các nước dễ bị tổn thương.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), Linda Thomas-Greenfield, cho rằng kể từ khi Nga bắt đầu phong tỏa các cảng quan trọng và phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự cũng như hầm chứa ngũ cốc, tình hình đói kém ở châu Phi và Trung Đông ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bà cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng đối với toàn thế giới và LHQ có trách nhiệm với hàng triệu người đang lo lắng về nguồn lương thực hàng ngày. Trong tuần này, LHQ sẽ phải hành động để giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

Ngày 19/5, ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, nước nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC), sẽ chủ trì một cuộc tranh luận mở với chủ đề "Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Xung đột và an ninh lương thực".

Trước cuộc họp của UNSC, Ngoại trưởng Mỹ Blinken chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng với sự tham dự của các quan chức từ hàng chục quốc gia, xem xét các nhu cầu viện trợ nhân đạo và phát triển cấp bách nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, dinh dưỡng và khả năng phục hồi.

Đại sứ Thomas-Greenfie cho biết, cuộc họp có sự tham dự của đại diện các nước cung cấp lương thực lớn cũng như những nước đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
Về phía Ấn Độ, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao V Muraleedharan đến New York trong các ngày 17-20/5 để tham dự Hội nghị Bộ trưởng cấp cao về an ninh lương thực toàn cầu của UNSC. Theo các nguồn tin tại New Delhi, Ấn Độ đang cân nhắc thận trọng và xem xét khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực và dựa trên yêu cầu của chính phủ các nước.

Xuất khẩu lúa mỳ của Ấn Độ đứng ở mức cao nhất là 7 triệu tấn, trị giá 2,05 tỷ USD, trong tài khóa 2021-2022, nhờ nhu cầu gia tăng, trong đó khoảng 50% được xuất khẩu sang Bangladesh.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ cho rằng các cuộc thảo luận mở xem xét mối liên hệ giữa xung đột và an ninh lương thực, và UNSC xem xét các bước cần thiết để đảm bảo việc thúc đẩy an ninh lương thực không gây ra các cuộc xung đột mới, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển.

Mỹ đã khởi động nhiều ngày hành động nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, một vấn đề mà bà Thomas-Greenfield cho biết đã là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden ngay từ ngày đầu tiên.
Ethiopia, Nam Sudan, Syria, Somalia và Yemen chỉ là một vài ví dụ về những quốc gia mà xung đột đang khiến người dân rơi vào cảnh đói khát tuyệt vọng. Điều quan trọng vào lúc này là đưa cuộc khủng hoảng trở thành trung tâm của sự chú ý của thế giới.
Ấn Độ lo ngại rằng xung đột tại Ukraine đang gây ra những tác động khu vực và toàn cầu rộng lớn hơn. Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ, T.S Tirumurti, nói giá dầu đang tăng vọt và tình trạng thiếu lương thực cũng như phân bón đang diễn ra.

Tuần trước, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại Vienna bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về nạn đói ngày càng lan rộng ở các khu vực khác nhau trên thế giới do cuộc chiến ở Ukraine. Theo ông, lương thực của Ukraine cũng như lương thực, phân bón của Nga và Belarus có ý nghĩa quyết định để giải quyết vấn đề./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục