Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn

08:38' - 19/10/2021
BNEWS Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giao cho Bộ trưởng Thương mại nước này là bà Gina Raimondo nhiệm vụ phải đảm bảo rằng Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Điều này có nghĩa là, vị thế cường quốc kinh tế đang phụ thuộc vào "thành tích" của bà Raimondo.

Chất bán dẫn đã trở thành thành phần thiết yếu trong quá trình chế tạo ô tô, thiết bị y tế, điện thoại, đồ chơi, máy giặt và một số loại đồng hồ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu đang kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát.

Nếu không có chất bán dẫn, hiện đang đóng vai trò như “chiếc công tắc” cho nền kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia dự báo rằng Mỹ có thể sẽ bị Trung Quốc và một số quốc gia khác đang tập trung phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, bỏ lại phía sau.

Bà Raimondo dự đoán, tình trạng thiếu chất bán dẫn sẽ kéo dài sang năm 2022 và sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định. Một báo cáo của Nhà Trắng hồi tháng Chín vừa qua thậm chí còn cảnh báo rằng, sự thiếu hụt chất bán dẫn có thể làm giảm hoàn toàn tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay.

Để chấm dứt tình trạng này, bà Raimondo cho rằng Mỹ cần phải khôi phục hoạt động sản xuất chip cũng như các tấm pin năng lượng Mặt Trời, với lập luận rằng những lĩnh vực này là “chìa khóa” cho sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Điều này có nghĩa là bà phải tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành bán dẫn gần như hàng ngày, theo dõi dữ liệu về việc ngừng hoạt động của các nhà máy bán dẫn ở châu Á...

Bà Raimondo cho biết, một rủi ro mang tính an ninh quốc gia là Mỹ đang không thể sản xuất bất kỳ chất bán dẫn tiên tiến nào, không sản xuất đủ tấm pin Mặt Trời cũng như những loại pin quan trọng khác.

Bộ trưởng Raimondo tin tưởng rằng, nếu đi đúng hướng, 10 năm nữa, hoạt động của ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ sẽ sôi động hơn và lĩnh vực này phát triển mạnh hơn.

Mỹ từng chiếm 40% sản lượng chip trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ trên hiện chỉ là 12%. Chi phí sản xuất chip ở Mỹ cao hơn 30% so với con số tương ứng của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Một nhà sản xuất chip phải chi hàng chục triệu USD cho một nguyên mẫu trước khi có được bất kỳ doanh thu nào - một rào cản với các công ty khởi nghiệp.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh điều chỉnh chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Đồng thời, Quốc hội Mỹ cũng ủng hộ đưa các biện pháp hỗ trợ đầu tư chất bán dẫn vào trong “Đạo luật ủy quyền quốc phòng” năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục