Mỹ tái khẳng định chính sách ngoại giao châu Á

21:25' - 25/05/2022
BNEWS Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chuyến công du Đông Bắc Á kéo dài 5 ngày (20-24/5) đưa ông đến hai quốc gia đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực gồm Hàn Quốc và Nhật Bản

Đây là chuyến công du đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng đến châu Á kể từ khi nhậm chức cách đây 16 tháng.

 

Chuyến thăm lần này được xem là cơ hội để chính quyền của Tổng thống Biden tăng cường quan hệ với hai quốc gia đồng minh, củng cố liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, thúc đẩy Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) cho toàn khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ).

Quan trọng hơn, chuyến thăm cũng được coi là cơ hội để Mỹ thúc đẩy vai trò và tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Nhật Bản và Hàn Quốc có vị trí địa - chính trị quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc Tổng thống Biden lựa chọn hai nước là điểm đến trong chuyến công du chính thức châu Á đầu tiên cho thấy Washington tiếp tục xác định đây là hai đồng minh đặc biệt của nước này ở khu vực Đông Bắc Á.

Dưới thời chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã nêu cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” và phần nào làm “sứt mẻ” quan hệ đồng minh. Tuy nhiên, sau khi ông Biden nhậm chức, Washington đã tái khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống liên minh, đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến sự cạnh tranh chiến lược và tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc.

Đánh giá về chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Biden tới Đông Bắc Á, nhà nghiên cứu cao cấp Triệu Minh Hạo - chuyên gia đặc biệt của Diễn đàn Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa, cho rằng chuyến thăm là minh chứng về sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ về phía Đông trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến.

Trong khi đó, chuyên gia Yuki Tatsumi thuộc tổ chức nghiên cứu Stimson Center nhận định chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ phát đi thông điệp rằng cam kết đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao châu Á của Mỹ.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk-yeol, trong đó hai bên nhất trí nâng cấp liên minh song phương trở thành “liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu”, tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và linh hoạt, đồng thời mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự chung.

Tuyên bố chung Mỹ-Hàn được đánh giá là kết quả quan trọng đầu tiên của Tổng thống Biden trong chuyến công du châu Á, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Trong khi đó, tại hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Biden cũng phát đi thông điệp về quan hệ đồng minh vững chắc với Tokyo. Ông nhất trí tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong việc nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn nhằm mở rộng năng lực sản xuất của mỗi nước và đảm bảo nguồn cung chip ổn định.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Đông Bắc Á, với gần 20 vụ phóng tên lửa của Triều Tiên kể từ đầu năm tới nay, với những mục tiêu an ninh chung, hợp tác chặt chẽ với Seoul và Tokyo cũng như củng cố liên minh Mỹ - Nhật - Hàn trước những động thái của Bình Nhưỡng tiếp tục đóng vai trò sống còn đối với Mỹ tại khu vực.

Tuy nhiên, liên minh quân sự ba bên Mỹ-Nhật-Hàn bị cho là đứng trước không ít thách thức khi mà giữa Nhật Bản với Hàn Quốc lâu nay tồn tại bất đồng liên quan đến các vấn đề lịch sử, trong đó có vấn đề về phụ nữ mua vui trong chiến tranh và tranh chấp về chủ quyền biển đảo.

Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng chính quyền mới của Hàn Quốc sẽ có những bước đi cụ thể trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác ba bên.

Washington đã nhiều lần khẳng định với Seoul về sự cần thiết ba nước phải tăng cường liên minh, song cho đến nay Hàn Quốc dường như vẫn thể hiện thái độ miễn cưỡng trong việc chia sẻ các thông tin tình báo với Nhật Bản.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ đến Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn được đánh giá là đạt mục tiêu hàng đầu, đó là tái khẳng định quan điểm nhất quán của Washington về việc ba nước duy trì mối quan hệ đồng minh bền chặt, dù vẫn còn những bất đồng.

Khởi động sáng kiến IPEF do Mỹ dẫn đầu là mục tiêu quan trọng tiếp theo của Tổng thống Biden trong chuyến công du Đông Bắc Á lần này. IPEF đã được ông Biden đề xuất tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 10/2021, là sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác với vai trò chủ chốt của Mỹ ở khu vực châu Á.

Theo Nhà Trắng, khuôn khổ sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng như thương mại, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và chống tham nhũng. Nhà Trắng coi nỗ lực mới là một cách để giảm lạm phát trong nước trong dài hạn, điều mà Tổng thống Biden đã coi là ưu tiên hàng đầu.

Thông qua chuyến thăm đến Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Biden cũng tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác lâu đời trong nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) trong việc ứng phó với các thách thức mới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó với dịch COVID-19 và an ninh y tế toàn cầu; phát triển cơ sở hạ tầng; biến đổi khí hậu; an ninh mạng; vũ trụ, các công nghệ cực kỳ quan trọng và mới nổi...

Tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các nguyên tắc được cho là cực kỳ quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cho cả thế giới, như nguyên tắc tự do, thượng tôn pháp luật, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không dùng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, tự do hàng hải và tự do hàng không.

Có thể thấy, chuyến công du của Tổng thống Joe Biden lần này đã thể hiện một đường lối đối ngoại tương đồng với định hướng của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm, đó là tăng cường liên minh và xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương để củng cố và thúc đẩy các lợi ích lâu dài của Mỹ trong khu vực.

Cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, ông Michael Green, nhận định chuyến công du của ông Biden có chương trình nghị sự không dễ dàng nhưng nhìn chung được đánh giá là khá thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục