Mỹ tấn công thương mại nhắm vào đồng minh truyền thống: Đánh nhầm mục tiêu? (Phần 2)

07:03' - 11/06/2018
BNEWS Nhà Trắng dùng lá bài thương mại để mặc cả vì biết chắc rằng "đại gia đình" châu Âu không dám "rời Mỹ”. Chuyên gia Verluise đặt câu hỏi: Mỹ có còn coi EU là "đồng minh truyền thống hay không”?

No Title

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời trên đài truyền hình France 24, nhà sử học François Durpaire - làm việc tại trường Đại học Cergy Pontoise - cho rằng ông Trump "tung đòn" đánh Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng chia để trị, nhằm giành được một thắng lợi quan trọng với cử tri Mỹ trong bối cảnh còn 5 tháng nữa là diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ. 

Chia để trị

Nhà sử học François Durpaire nói: “Điều đáng chú ý ở đây là ông Donald Trump đánh cược trên sự yếu kém của EU. Chúng ta bước vào giai đoạn gọi là ‘đánh qua, đánh lại’. Brussels trả đũa, áp thuế vào những mặt hàng Mỹ sản xuất tại những bang mà người dân đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump. 

Tuy nhiên, ở Nhà Trắng, ông Trump hy vọng các thành viên EU bị chia rẽ, các biện pháp trả đũa nhắm vào Mỹ sẽ không đi tới đâu.

Như vậy, ông Trump chứng minh với cử tri rằng ông đang ở thế mạnh. Ông mới là người bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ. Điều này rất quan trọng khi sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong một vài tháng nữa”.

Pierre Verluise, giám đốc tạp chí mạng chuyên về địa chính trị Diploweb.com của Pháp giải thích thêm về nước cờ đầy rủi ro mà chủ nhân Nhà Trắng vừa đi tấn công các đồng minh truyền thống: “Điều đó hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của ông Trump về EU.

Nhìn từ bên ngoài, đúng là EU đang bị chia rẽ: Anh chuẩn bị ra đi, dân số của châu Âu đang trên đà lão hóa, châu Âu ngày càng bị suy yếu trên bàn cờ quốc tế”.

Trung Quốc và Nga hưởng lợi

Tuy nhiên, trước mắt, dường như EU tạm vượt lên trên những bất đồng nội bộ giữa 28 nước thành viên và từ chối đàm phán tay đôi với Mỹ. Có điều, nguy cơ ”leo thang” trong cuộc đọ sức giữa Mỹ và EU là có thực khi ông Trump đã ra lệnh mở cuộc điều tra về xe hơi của châu Âu xuất khẩu sang Mỹ. 

Trong lĩnh vực này, một lần nữa Đức là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nhất. Theo thẩm định của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức Ifo, nếu xe hơi châu Âu bị đánh thuế 25%, người tiêu dùng ở Mỹ phải trả giá đắt thêm 5 tỉ euro khi mua xe của Đức. Hai hãng xe Pháp là Renault và Peugeot cũng đang trong "tâm bão".

Bên cạnh những tính toán thua thiệt ở mức độ vài tỉ USD giữa Mỹ và EU trong hai lĩnh vực thép và nhôm, cuộc đọ sức giữa Brussels và Washington tác động cả đến vấn đề an ninh. Chuyên gia Pierre Verluise cho rằng Brussels rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì ”bên cạnh vấn đề kinh tế và thương mại còn phải tính đến những nước cờ chiến lược”.

Có 22/28 thành viên EU là thành viên NATO. Nhà Trắng dùng lá bài thương mại để mặc cả vì biết chắc rằng "đại gia đình" châu Âu không dám "rời Mỹ”. Chuyên gia Verluise đặt câu hỏi: Mỹ có còn coi EU là "đồng minh truyền thống hay không”?

Chính sách thương mại của ông Trump đang khiến Trung Quốc "mừng thầm". Đành rằng Bắc Kinh cũng trong tầm ngắm của chính quyền Washington, nhưng ông Trump đang "phá vỡ liên minh phương Tây chống Trung Quốc”, ít nhất là trên hồ sơ nhôm, thép. Kiểu "mặc cả" của ông Trump khiến các đồng minh của Mỹ càng thêm thưa thớt. 

Chuyến công du Nga của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp gần đây cùng nhằm mục đích lôi kéo Moskva trở lại với châu Âu. Những hợp đồng của Pháp ký với các đối tác Nga nhân diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg phần nào đã thể hiện điều đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục