Mỹ và châu Âu đẩy mạnh sản xuất uranium nội địa

08:45' - 08/02/2024
BNEWS Mỹ và châu Âu phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung uranium do phụ thuộc vào nhập khẩu của Nga và tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Tình trạng này đã thúc đẩy một số cường quốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và tăng cường sản xuất nhiều loại năng lượng và vật liệu có liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất uranium mới có thể sớm xuất hiện ở châu Âu và Mỹ.

 

Trong khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với việc nhập khẩu các sản phẩm năng lượng, như dầu và khí đốt của Nga, việc thực hiện biện pháp tương tự với uranium lại khó khăn hơn do thiếu nguồn cung thay thế. Việc giảm nhập khẩu uranium của Nga đã dẫn đến sự chậm trễ trong một số dự án điện hạt nhân ở Mỹ.

Nga đang kiểm soát khoảng 40% cơ sở xử lý uranium trên toàn cầu và 46% tổng công suất làm giàu uranium thế giới. Nước này cũng đi trước các đối thủ cạnh tranh khi sản xuất các loại uranium cải tiến, chẳng hạn như uranium độ giàu thấp với tỷ lệ làm giàu 15-19,75%, vốn cần thiết để cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới nhất.

Khi châu Âu đa dạng hóa nguồn cung uranium, Kazakhstan đã trở thành nhà cung cấp chính, cung cấp 26,82% lượng uranium của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2022. Kazakhstan đã tăng cường năng lực sản xuất đều đặn trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Niger chiếm 25,38% nguồn cung uranium cho EU, còn Canada chiếm 21,99%.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý châu Âu và Mỹ phải phát triển khả năng sản xuất uranium nội địa nếu muốn tránh hoàn toàn việc sản xuất uranium có liên quan đến Nga, cũng như đảm bảo rằng họ vẫn có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Mỹ đang thúc đẩy sản xuất uranium độ giàu thấp với các dự án như cơ sở của Centrus Energy Corp tại Ohio, trong khi Vương quốc Anh có kế hoạch đầu tư phát triển năng lực sản xuất uranium độ giàu thấp cho các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo.

Trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào Nga, Mỹ và một số nước châu Âu đã công bố các kế hoạch điện hạt nhân đầy tham vọng trong những thập kỷ tới nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, tình trạng thiếu sản xuất uranium bên ngoài Nga có thể cản trở các kế hoạch này.

Các lệnh trừng phạt đối với mặt hàng năng lượng và các sản phẩm khác của Nga, sau xung đột Ukraine, đã dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên, uranium và các nguyên liệu quan trọng khác trên toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục