Đảo chính tại Niger đe dọa nguồn cung uranium của Pháp và châu Âu?

06:30' - 05/08/2023
BNEWS Cuộc đảo chính ở Niger, một trong những nhà cung cấp uranium lớn trên thế giới, đang làm dấy lên câu hỏi về mức độ phụ thuộc của Pháp vào nguồn cung thiết yếu cho sản xuất năng lượng hạt nhân.

Tạp chí La Tribune cho biết, cuộc đảo chính ở Niger, một trong những nhà cung cấp uranium lớn trên thế giới, đang làm dấy lên câu hỏi về mức độ phụ thuộc của Pháp vào nguồn cung thiết yếu cho sản xuất năng lượng hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng trong ngắn hạn, diễn biến tại Niger sẽ không ảnh hưởng đến Pháp và cả châu Âu trong lĩnh vực này. Cụ thể như sau:

Ngoài những nghi ngại liên quan đến tác động địa chính trị, một câu hỏi then chốt mà cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào tuần trước tại Niger là nguồn tài nguyên của đất nước, đặc biệt là uranium, sẽ được định đoạt như thế nào. Được sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng, nhóm đảo chính đã không giấu ý đồ gạt bỏ ảnh hưởng của Pháp đối với Niamey.

Xét ở phương diện kinh tế, có rất ít công ty Pháp hiện diện tại Niger. Nhưng không vì thế mà Pháp có thể bỏ qua một vấn đề: Tập đoàn công nghiệp Orano (ex-Areva) đang khai thác một mỏ uranium, một nguồn tài nguyên chiến lược, ở phía Bắc quốc gia châu Phi này.

Trên thực tế, không thể phủ nhận việc Niger là một trong những nhà sản xuất uranium quan trọng trên thế giới. Theo Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), năm 2021, quốc gia này chiếm 4,7% sản lượng tự nhiên toàn cầu. Từ hơn 10 năm nay, Niger đã tuyên bố muốn giành lại quyền kiểm soát đối với vận mệnh kinh tế của chính mình nhờ vào các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ.

Nhưng đồng thời, Niger cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh. Giống như một số nước láng giềng, đất nước này cũng bị tàn phá liên miên bởi các cuộc tấn công từ các nhóm thánh chiến liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda.

Cũng theo số liệu của Euratom, năm 2022, Niger là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ hai cho Liên minh châu Âu (EU), chiếm tỷ lệ 25,38% lượng tiêu thụ, góp phần cung cấp nhiên liệu cho 103 lò phản ứng đang hoạt động tại 13 quốc gia thành viên, và một nửa trong số đó là ở Pháp (56 lò phản ứng). Tổng cộng, Kazakhstan, Niger và Canada đã cung cấp 74,19% lượng uranium tự nhiên được tiêu thụ ở EU.

Trong giai đoạn 2005-2020, Niger là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ ba cho Pháp, đóng góp 19% nguồn cung, sau Kazakhstan và Australia, và trước Uzbekistan.

Đối với tài nguyên này, Niger hiện “không còn là đối tác chiến lược của Pháp như những năm 1960-1970”, ông Alain Antil - Giám đốc Trung tâm châu Phi cận Sahara thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) - cho biết. Nhưng trong bối cảnh quan hệ EU-Nga ngày càng căng thẳng, một nguồn cung uranium bỗng chốc trở nên bất ổn như Niger cũng đủ khiến giới công nghiệp năng lượng Pháp lo ngại.

Là một trong số ít doanh nghiệp Pháp làm ăn tại Niger, Orano cho biết đang sử dụng khoảng 900 lao động tại nước này và phần lớn trong đó là người địa phương. Vụ đảo chính mới đây ở Niamey khiến tập đoàn này phải “theo dõi sát tình hình” trong một tâm trạng bất an. Orano tự trấn an rằng cuộc khủng hoảng hiện tại không có tác động ngắn hạn đến khả năng cung ứng tới Pháp và các khách hàng quốc tế, nhất là khi tập đoàn này đang phát triển một dự án khác tại “4 châu lục”.

Cuối tuần trước, phát biểu trước báo chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh rằng Paris “sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại Pháp và các lợi ích của đất nước” ở quốc gia châu Phi đang bị bất ổn chính trị làm rung chuyển này. Trong khi đó, Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp cũng khẳng định tình hình ở Niger sẽ không gây ra bất kỳ nguy cơ nào đối với an ninh nguồn cung uranium tự nhiên của Pháp. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đã buộc phải thúc giục Tập đoàn điện lực Pháp EDF nhanh chóng tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung uranium.

Về phần mình, ngày 31/7, nhóm đảo chính đã cáo buộc Pháp “muốn can thiệp quân sự” vào Niger. Trên Twitter cùng ngày, nhiều nguồn tin nước ngoài cho biết, lực lượng đảo chính đã cấm xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp.

Đa dạng hóa vật liệu hạt nhân là một trong những khuyến nghị thường xuyên và lâu dài của Euratom. Trong một báo cáo công bố tháng 8/2022, Euratom đã nhấn mạnh rằng các diễn biến chính trị và kinh tế năm 2021 và đầu năm 2022, đặc biệt là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga - một nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực uranium - trên thực tế đã xác nhận mức độ phù hợp và cấp bách của các khuyến nghị mà Euratom đã nêu.

Theo báo cáo trên, nhìn chung ở EU, việc cung cấp uranium tự nhiên rất đa dạng, nhưng một số chủ thể nhà nước vẫn mua uranium từ một nhà cung cấp duy nhất. Để có thể sử dụng cho các lò phản ứng, uranium tự nhiên phải được tinh chế, chuyển đổi và làm giàu.

Ông Nicolas Goldberg, chuyên gia năng lượng thuộc trung tâm tư vấn đặc biệt Colombus Consulting có trụ sở tại Paris, nhấn mạnh: Pháp có khối lượng nhiên liệu được làm giàu tương đương với ba năm tiêu thụ, nên không có bất cứ nguy cơ nào về nguồn cung trong ngắn hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục