Myanmar- thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam

11:07' - 16/12/2019
BNEWS Với dân số gần 60 triệu dân, hầu hết các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng đều phải nhập khẩu, Myanmar thực sự là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư khởi sắc đang trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam và Myanmar. Với dân số gần 60 triệu dân, hầu hết các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng đều phải nhập khẩu, Myanmar thực sự là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Sắt thép là nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu sau Myanmar. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 860 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 702,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 157,8 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng của năm 2019 đạt 790 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Myanmar là thị trường tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hàng rau quả, cao su, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường từ Myanmar.

Trong những năm gần đây, thị trường Myanmar càng trở nên đặc biệt hấp dẫn, thu hút đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tới làm ăn, kinh doanh. Đó là nhờ vào việc Myanmar đã và đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách, mở cửa liên quan đến thương mại và đầu tư, hướng tới việc phát triển một nền kinh tế bền vững. Với 18 dự án lớn và tổng vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD đã giúp Việt Nam trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar.

Theo đó, nổi bật nhất là dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngoài ra, còn có dự án đầu tư của các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… Hiện nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư vào Myanmar như: Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Công ty cổ phần Eurowindow...

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi khi xâm nhập vào thị trường Myanmar bởi dù thu nhập bình quân đầu người của người dân Myanmar không cao, sản xuất trong nước còn hạn chế nhưng nhu cầu tiêu dùng và sức mua rất lớn. Theo đó, có rất nhiều sản phẩm mà Myanmar có nhu cầu lớn và có thể đầu tư hiệu quả như: khai thác khoáng sản, lâm sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, viễn thông, du lịch, các nhà hàng phục vụ món ăn Việt Nam, thủy sản, nhiệt điện...

Myanmar có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng nông sản. Ảnh minh họa: TTXVN
Vì vậy, đây là cơ hội khả quan cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư từ Việt Nam. Thêm vào đó, hầu hết các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng phải nhập khẩu, nhiều lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, dịch vụ, y tế... còn bỏ ngỏ là những thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam và Myanmar đều đang là những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và đang tiến hành các biện pháp cải cách rất mạnh mẽ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi nước, đồng thời hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Myanmar và các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp hai nước quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư giữa hai nước mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Để đạt được hiệu quả về hợp tác thương mại và đầu tư, trong các cuộc gặp cấp cao hai nước thời gian qua, phía Việt Nam đã đề nghị Myanmar tiếp tục thu gọn danh mục hàng hóa nhập khẩu cần xin giấy phép của Myanmar; mở rộng danh mục các mặt hàng mà doanh nghiệp FDI và liên doanh được phép xuất nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loại sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Đồng thời, mở rộng danh sách các mặt hàng mà doanh nghiệp FDI và liên doanh nước ngoài được phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại thị trường này. Cùng với đó, điều chỉnh quy định về vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp FDI và liên doanh nước ngoài được phép hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tại Myanmar theo hướng giảm mức vốn cho phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, điều chỉnh các quy định về xuất nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa, tránh chồng chéo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI và liên doanh nước ngoài hoạt động xuất nhập khẩu và bán buôn, bán lẻ tại Myanmar; ủng hộ phía Việt Nam trong việc tổ chức thành công các kỳ Hội chợ hàng Việt Nam và các hoạt động xúc tiến thương mại khác của Việt Nam tại Myanmar…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục