Nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để đưa ra chương trình tín dụng phù hợp

17:35' - 14/03/2024
BNEWS Các ngân hàng thương mại bày tỏ quyết tâm đồng hành cùng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nắm bắt nhu cầu để đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 14/3, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các ngân hàng thương mại tham dự hội nghị đều bày tỏ quyết tâm đồng hành cùng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và nắm bắt nhu cầu để đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp.

Động lực tăng trưởng tín dụng

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) bày tỏ, có lẽ chưa bao giờ trong quý I, ngoài Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024 thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn tổ chức rất là nhiều cuộc gặp gỡ làm việc với một số tỉnh và các hiệp hội cũng như có rất nhiều văn bản chỉ đạo về tăng trưởng tín dụng.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như NHNN, Agribank đã triển khai giảm lãi suất cho vay, tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai các cơ chế ưu tiên thúc đẩy trong nội bộ ngân hàng; quyết liệt khuyến khích và tạo động lực cho các chi nhánh trong toàn bộ hệ thống nhằm tăng trưởng tín dụng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024. Từ đó, chênh lệch thu chi của Agribank sau gần ba tháng giảm so với cùng kỳ năm 2023 khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Agribank đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Hiện, Agribank đã phê duyệt được 8 dự án với 2.470 tỷ đồng và dư nợ thực tế đến nay là 420 tỷ đồng.

Với chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với lĩnh vực lâm thủy sản, năm 2023 Agribank đã triển khai 3.000 tỷ đồng và tiếp tục mở rộng kéo dài chương trình tăng quy mô thêm 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHNN thực hiện chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, Agribank mong muốn kết nối giữa ba nhà là doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tín dụng vẫn có xu hướng giảm và đối với Agribank giảm hơn mức bình quân của cả hệ thống. Đây cũng là tính đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp khi khách hàng bán hàng phục vụ dịp Tết, có tiền trả nợ thậm chí còn gửi lại ngân hàng và chưa đến vụ gieo trồng mới chưa có nhu cầu vay vốn để mua giống phân bón thuốc bảo vệ thực vật,…

Ngoài ra, do sức cầu yếu cả trong nước và ngoài nước, người dân thận trọng thắt chặt chi tiêu ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, từ đó tín dụng không có cơ hội để tăng trưởng nhanh. Cùng đó, một thực tế trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại là cạnh tranh rất quyết liệt, giảm lãi suất cho vay rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ các ngân hàng khác. Vì vậy, dẫn tới khả năng doanh nghiệp dịch chuyển từ vay ngân hàng này sang vay ngân hàng khác. Hoặc là đảo nợ cũ thành nợ mới để có lãi suất thấp hơn và điều này dẫn đến thực tế là tăng trưởng tín dụng cũng chưa đạt yêu cầu.

Theo ông Ấn, động lực tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư công, chính sách tài khóa… để có thể tạo động lực cho sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngành chức năng sớm có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong bối cảnh các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hàng hóa. Agribank cũng cam kết đồng hành có chính sách tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp để chuyển đổi thành công.

Tiền đề phát triển thị trường tài chính

Tại hội nghị, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Vốn tín dụng của BIDV tập trung cho 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách hàng, thực hiện chương trình 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng nông lâm thủy sản 15.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, BIDV tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tham gia tích cực thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, kéo giảm lãi suất.

Về tín dụng, BIDV cũng tiếp tục làm việc với các Hiệp hội, nhóm khách hàng, nắm bắt nhu cầu đưa ra các chương trình tín dụng phù hợp; khai thác các nguồn vốn quốc tế phục vụ tín dụng xanh; tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay hợp lý cho các đối tượng khách hàng; công khai, minh bạch quy trình xử lý cấp tín dụng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu triển khai cho vay bằng phương tiện điện tử, chương trình cho vay tiêu dùng; triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch NHNN giao là tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%", lãnh đạo BIDV khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo của BIDV, dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm nay của nền kinh tế tăng 12,14% so với cùng kỳ, nhưng có sụt giảm 0,72% so với dư nợ cuối năm 2023. Điều này không quá quan ngại vì phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%.

Lãnh đạo BIDV nhấn mạnh: Nhìn từ quan hệ cung – cầu tín dụng và các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong năm nay hoàn thành có thể thực hiện được.

BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế (hướng dẫn thực hiện các Luật: Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Nhà ở… vừa được Quốc hội thông qua). Cùng đó, hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường hàng hóa,  xuất nhập khẩu, lao động, bất động sản… Đây chính là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính.

BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, giảm và giảm hoàn thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chín, tăng đào tạo quản trị doanh nghiệp, liên kết thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề.

NHNN và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; đặc biệt cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục