Nam Thái Bình Dương - "Sàn đấu" mới giữa Trung Quốc và Mỹ

06:03' - 10/08/2018
BNEWS Các diễn biến mới đây đang làm dấy lên quan ngại rằng khu vực Nam Thái Bình Dương đang trở thành "sàn đấu" của cuộc cạnh tranh chiến lược Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Thời báo Hoàn cầu mới đây đăng bài viết với tựa đề “Mỹ và đồng minh bóp méo hình ảnh của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương” của Triệu Minh Hạo, nhà nghiên cứu thuộc Viện Charhar và công tác tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Tại Hội nghị tham vấn bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Australia-Mỹ (AUSMIN 2018), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ tin tưởng rằng các nước ở Nam Thái Bình Dương sẽ lựa chọn Mỹ chứ không phải Trung Quốc, cho dù "gã khổng lồ" châu Á này có những động thái ve vãn về mặt kinh tế và chiến lược tại các quốc đảo nhỏ.

Mỹ và các đồng minh đang xem xét sự tương tác với Trung Quốc trên vũ đài thế giới từ khuôn khổ "Chiến tranh Lạnh".

Đặc biệt, giới lãnh đạo quân sự Mỹ thường xuyên đưa ra những bình luận công khai cáo buộc Trung Quốc gây suy yếu những lợi ích an ninh và vị thế chiến lược của Washington tại một số khu vực nhất định thông qua việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. 

Người Mỹ lo ngại Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Tháng 6/2018, sĩ quan chỉ huy thuộc Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ Robert B. Neller nhận định rằng Trung Quốc, giống như chơi cờ vây, “đang đặt các viên gạch xuống” khu vực Nam Thái Bình Dương để giành được những lợi thế về địa lý tại đó.

Rõ ràng, Mỹ và Australia coi khu vực Nam Thái Bình Dương là sân sau của họ và tin rằng Trung Quốc đã xâm nhập vào phạm vi ảnh hưởng của họ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quốc gia Nam Thái Bình Dương theo đuổi chính sách ngoại giao đa dạng và không muốn bị Australia cũng như Mỹ kiểm soát nữa. 

Theo một bài viết trên tờ New York Times, "một số quốc đảo ở Thái Bình Dương đang ngày càng chỉ trích ‘sự viện trợ mang tính chỉ đạo’ của Australia”, đồng thời phàn nàn rằng "Australia và Mỹ chỉ đưa ra mệnh lệnh chứ không đả động gì tới việc phát triển".

Các quốc gia Nam Thái Bình Dương lo ngại rằng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ tác động tiêu cực đến họ. Hiện Australia là một trong những nước xuất khẩu than hàng đầu thế giới, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không mấy quan tâm đến những thách thức mà hiện tượng này gây ra. 

Trong khi đó, Trung Quốc đã lập một quỹ đặc biệt để hỗ trợ các quốc gia Nam Thái Bình Dương đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, các quốc gia Nam Thái Bình Dương có mọi lý do để "hướng về phương Bắc", tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vài tháng qua đã chứng kiến sự can thiệp mạnh mẽ của Australia vào sự hợp tác giữa các quốc gia này với Trung Quốc. Đầu năm nay, Canberra đã cáo buộc Vanuatu cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự xung quanh bến cảng Luganville. 

Cách Australia chưa đầy 2.000 km, bến cảng này được coi như một tiền đồn chiến lược của Canberra. Sau đó, Chính phủ Vanuatu đã chia sẻ một bản hợp đồng ký kết với Trung Quốc hồi năm 2014, trong đó xác nhận việc xây dựng cầu cảng này với mục đích phục vụ các tàu du lịch cỡ lớn và thương mại quốc tế. 

Trong Chiến tranh Thế giới II, Vanuatu từng là căn cứ quân sự lớn thứ hai của Mỹ ở Thái Bình Dương sau Hawaii. Tuy nhiên, quốc gia này, với khoảng 80 đảo và dân số 270.000 người, đã là một phần của Phong trào Không liên kết (NAM) trong nhiều năm qua.

Ngoài Vanuatu, Australia cũng đang cáo buộc Trung Quốc ở quần đảo Solomon. Với mục đích hạn chế hoạt động kinh doanh của công ty Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc tại khu vực này, Chính phủ Turnbull đã can thiệp với tư cách là nhà tài trợ chính của đường cáp dữ liệu ngầm dưới biển dài 4.000 km đến quần đảo Solomon. 

Đây là dấu hiệu chứng tỏ sự nghi ngờ sâu sắc của Australia đối với Trung Quốc và các mối quan hệ song phương lạnh nhạt.

Nam Thái Bình Dương rõ ràng đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ và Australia thúc đẩy. Sẽ có thêm nhiều dự án có thể được triển khai, song các dự án này chỉ trở thành hiện thực khi một số quốc gia ngừng đánh giá tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc từ góc độ Chiến tranh Lạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục