Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - Bài cuối: Nhận thức - yếu tố then chốt
Toàn cầu hóa hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu thế nổi bật của thế giới hiện nay nhưng quá trình hội nhập và mở cửa thị trường đã đặt các ngành sản xuất trước những thách thức cạnh tranh lớn hơn đến từ hàng nhập khẩu.
Vì vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng được nhiều quốc gia sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước.
Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp buộc các quốc gia đẩy mạnh hơn nữa phòng vệ hàng hóa.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) về những giải pháp hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trước những va chạm lợi ích trong phòng vệ thương mại.
Phóng viên: Những năm gần đây, nhiều nước đã và đang gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này? Ông Lê Triệu Dũng: Đến nay, Bộ Công Thương đã xử lý 204 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tập trung nhiều vào mặt hàng thép, sợi, nông sản, thủy sản. Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với 40 vụ việc, chiếm gần 1/5 tổng số vụ việc. Lý do chính gia tăng vụ việc phòng vệ thương mại của các nước áp dụng là do xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Đây là xu thế chung đối với phần lớn các nước trên thế giới. Hơn nữa, do tác động của việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều mặt hàng đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nhập khẩu khiến ngành sản xuất nước này phải đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn gia tăng cũng là nguyên nhân mà doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân và xu thế bảo hộ xuất hiện tại một số nước, khu vực. Vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất. Phóng viên: Dù được ví như “phao cứu hộ” cho doanh nghiệp khi ra "biển lớn" nhưng dường như doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ trong việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Ông Lê Triệu Dũng: Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có lịch sử gần 100 năm, nhiều nước phát triển đã thiết lập được nền tảng vững chắc về phòng vệ thương mại như hệ thống pháp luật, thể chế, cơ quan điều tra, nguồn nhân lực... Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp ở các nước này cũng quen với việc sử dụng hay ứng phó với công cụ phòng vệ thương mại và coi đây là một phần quan trọng trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên tại Việt Nam, đây là lĩnh vực khá mới mẻ, phức tạp, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi các ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan phải quan tâm và dành nguồn lực để đảm bảo không bị động cũng như ứng phó hiệu quả khi tham gia thương mại quốc tế. Thông thường một vụ việc điều tra thương mại kéo dài 12 tháng và có thể gia hạn tới 18 tháng, sau đó doanh nghiệp còn phải đối phó với nhiều lần rà soát thuế và thời gian áp thuế trừng phạt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí đến 20 năm. Do đó, chi phí và nguồn lực để theo đuổi vụ việc, kể cả chi phí thuê luật sư tư vấn của doanh nghiệp là rất lớn. Thế nhưng, đáng mừng là nhận thức về phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Vì thế, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại để ổn định và tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Không ít doanh nghiệp đã có bộ phận chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, nhất là các ngành xuất khẩu quan trọng như: thủy sản, thép, dệt may... Trên thực tế, sự quan tâm cũng như mức độ nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, hiệp hội ngành nghề có liên quan đã có diễn biến tích cực. Theo thống kê, năm 2013 có tới 16% doanh nghiệp được khảo sát không biết thông tin về phòng vệ thương mại, 19,8% có tìm hiểu sơ qua, gần 65% có nghe nói nhưng không hiểu và chỉ có gần 2% là đã tìm hiểu kỹ và đã từng tham gia vụ việc. Tuy nhiên, đến năm 2019 chỉ còn 11% doanh nghiệp không biết; 36% có nghe nhưng không hiểu sâu; 36% đã tìm hiểu về biện pháp và 17% đã tìm hiểu kỹ và là bên liên quan. Điều này cho thấy hiệu quả truyền thông về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Dù vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại và cho rằng các biện pháp này không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho nhóm các doanh nghiệp này.
Phóng viên: Để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại, theo ông các doanh nghiệp nên tự bảo vệ bằng cách nào? Ông Lê Triệu Dũng: Đầu tiên là doanh nghiệp phải có nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại và nâng cao qua việc tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu… và thậm chí cả các nước ASEAN. Đặc biệt, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại là một thực tế phổ biến trên thế giới, nhất là các doanh nghiệp, nhiều khả năng sẽ phải đối diện. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tính tới các phương án dự phòng trong chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu để ứng phó với phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Cùng với đó, khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải phối hợp với Bộ Công Thương cũng như cơ quan điều tra của nước ngoài. Bởi kinh nghiệm cũng như thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong quá trình ứng phó với điều tra của nước ngoài là yếu tố quyết định có giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp phòng vệ thương mại hay không. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện. Cuối cùng, trong quá trình điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước nhập khẩu tìm hiểu rất kỹ về nguồn nguyên liệu cũng như chuỗi sản xuất của sản phẩm. Do đó, để có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực, Việt Nam cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn và tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Phóng viên: Xin ông cho biết Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các biện pháp gì để phát huy vai trò của phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo môi trường thương mại công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng? Ông Lê Triệu Dũng: Xuất phát từ việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh cộng với chính sách bảo hộ của một số thị trường ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới sẽ khiến số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ triển khai vận hành hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế những rủi ro, Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới. Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng vệ thương mại, phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đang diễn ra nhằm kịp thời có các biện pháp phòng vệ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng cho các ngành sản xuất trong nước. Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! >>>Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - Bài 1: Chủ động để bảo vệ quyền lợi chính đáng>>>Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại - Bài 2: Kinh nghiệm từ ngành thép
Tin liên quan
-
DN cần biết
Phòng vệ thương mại: Công cụ bảo an giúp doanh nghiệp
10:14' - 31/05/2021
Các biện pháp phòng vệ thương mại như gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đang trở thành những công cụ bảo vệ và hỗ trợ cho doanh nghiệp rất đáng chú ý vào thời điểm này.
-
DN cần biết
Tiếp cận quốc tế về phòng vệ thương mại
08:51' - 31/05/2021
Các nước thành viên của WTO đều nhìn nhận rằng các biện pháp phòng vệ thương mại chính là trụ cột cuối cùng để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Chuyển giao quyền điều khiển lưới điện tại Lâm Đồng và Khánh Hòa từ ngày 28/7
12:11'
Từ 28/7/2025, quyền điều khiển lưới điện khu vực thuộc tỉnh Đăk Nông và Ninh Thuận cũ sẽ được chuyển giao giữa CSO và SSO, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, đúng quy định.
-
Doanh nghiệp
Vietnam Airlines đón hành khách thứ 350 triệu sau 30 năm thành lập
12:09'
Vietnam Airlines tiếp tục mở rộng mạng bay, nâng cấp dịch vụ và thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững.
-
Doanh nghiệp
EVN tập trung nguồn lực hoàn thành và khởi công các công trình trọng điểm
11:31'
Về đầu tư xây dựng, EVN tập trung nguồn lực để hoàn thành và khởi công các công trình trọng điểm hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
-
Doanh nghiệp
HD Hyundai cung cấp công nghệ đóng tàu cho nhà máy đóng tàu lớn nhất Ấn Độ
07:18'
HD Hyundai cho hay công ty này sẽ cung cấp công nghệ đóng tàu cho nhà máy đóng tàu nhà nước lớn nhất Ấn Độ, Cochin Shipyard, nhằm mở rộng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
-
Doanh nghiệp
Jeju Air mở loạt đường bay mới tới Trung Quốc
07:13'
Theo Global Times, hãng hàng không Hàn Quốc Jeju Air có kế hoạch mở rộng các tuyến bay từ nhiều sân bay Hàn Quốc đến Trung Quốc khi nhu cầu du lịch dự kiến gia tăng.
-
Doanh nghiệp
Số vụ phá sản tại Nhật Bản chạm mức cao nhất 11 năm
18:59' - 08/07/2025
Kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research công bố ngày 8/7 cho thấy, số vụ phá sản doanh nghiệp tại Nhật Bản trong 6 tháng qua lên tới 4.990 vụ, mức cao nhất trong 11 năm.
-
Doanh nghiệp
ByteDance không đồng ý bán TikTok cho liên doanh Mỹ
18:32' - 08/07/2025
Công ty công nghệ ByteDance của Trung Quốc vừa lên tiếng bác bỏ các báo cáo cho rằng họ đã đồng ý bán cổ phần kiểm soát mạng xã hội TikTok cho một liên doanh của Mỹ, do Oracle dẫn đầu.
-
Doanh nghiệp
EVN thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc
16:34' - 08/07/2025
Giải pháp cung cấp điện bằng tàu phát điện nổi được đại diện của Công ty Karpowership (Thổ Nhĩ Kỳ) giới thiệu khi đến làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây.
-
Doanh nghiệp
"Đại gia" công nghiệp châu Á đạt thỏa thuận về dự án sản xuất khí hóa lỏng
09:02' - 08/07/2025
Công ty công nghiệp nặng Samsung Heavy Industries của Hàn Quốc ngày 7/7 cho biết đã đạt được thỏa thuận trị giá 637 triệu USD để xây dựng một cơ sở sản xuất ngoài khơi tại Mozambique.