Nền kinh tế lớn thứ chín thế giới chật vật vì lạm phát

07:51' - 24/05/2024
BNEWS Các hộ gia đình Canada đều đã nhận được thông tin tích cực về chi phí sinh hoạt khi các số liệu về lạm phát hàng tháng cho thấy rằng giá cả đang tăng ở mức dưới 3% hàng năm trong 4 tháng đầu năm nay.

Nhưng bất chấp những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực của Ngân hàng trung ương Canada (BoC) nhằm giảm lạm phát từ 8,1% vào năm 2022 xuống mức mục tiêu 2%, một cuộc khảo sát công bố ngày 23/5 đã cho thấy người dân Canada vẫn đang cảm thấy có sự căng thẳng hơn về tài chính kể từ thời điểm đó.

 

Theo báo cáo chỉ số căng thẳng tài chính do Leger và Tổ chức đại diện cho các chuyên gia tài chính ở Canada (FP Canada) thực hiện, khoảng 44% số người được hỏi nói rằng tiền bạc là nguồn gốc gây căng thẳng hàng đầu của họ, tăng 6 điểm phần trăm so với một cuộc khảo sát tương tự vào 2 năm trước.

Làm sao có thể không lo lắng khi chi phí đều được ghi nhận đã tăng cao hơn nhiều so với trước đây, như giá hàng tạp hóa tăng 69%, lạm phát nói chung tăng 60% và chi phí nhà ở tăng 52%.

Một cuộc thăm dò khác do Ipsos thực hiện trong tháng 4 cũng cho thấy người tiêu dùng Canada đang cảm thấy chật vật vì chi phí cho hàng tạp hóa.

Khoảng 83% số người được hỏi trong cuộc thăm dò này cho rằng các hóa đơn hàng tạp hóa hàng tuần của họ đã tăng liên tục trong 6 tháng gần đây nhất, với mức trung bình mỗi tháng là 78,90 CAD (57,4 USD).

Chuyên gia tài chính Rubina Ahmed-Haq nhận xét tác động tích lũy của việc giá cả tăng trong một khoảng thời gian ngắn đã gây ra căng thẳng tài chính. Lãi suất tăng nhanh hơn, lên tới mức cao nhất kể từ những năm 1980.

Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland tỏ ra vui mừng khi tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua và lưu ý rằng mức lương tăng hàng năm đã vượt xa lạm phát trong 15 tháng qua. Mức lương trung bình mỗi giờ vào tháng trước đã tăng 4,7% so với năm ngoái.

Nhưng Ahmed-Haq lại cho rằng việc tăng lương chỉ là một hiện tượng gần đây hơn trong chu kỳ kinh tế và hầu hết người dân Canada chưa bắt kịp với mức lạm phát cao liên tục lên đến đỉnh điểm vào mùa Hè năm 2022.

Bà này nói rằng khi lạm phát tổng thể đang hạ nhiệt, chu kỳ tăng lãi suất nhanh chóng của BoC đã khiến một số loại nợ trở nên đắt đỏ hơn và làm tăng chi phí nhà ở cho nhiều người.

Nhà hoạch định tài chính Meghan MacPherson thì cho rằng người Canada đã phải tính toán chi ly hơn ngân sách tài chính hàng tháng của họ do việc trả nợ là một phần và đây là nguyên nhân khiến căng thẳng tài chính gia tăng.

Bà này giải thích rằng mọi người đang ở trong tình thế mà việc đi vay rất rẻ, nhưng sau đó trong một khoảng thời gian rất ngắn, họ rơi vào tình trạng mà bất kỳ ai có nợ tồn đọng đều thấy khoản thanh toán đó tăng lên đáng kể.

Báo cáo chỉ số căng thẳng tài chính nói trên cũng cho thấy ngày càng có nhiều người Canada cảm thấy cần phải cố gắng thanh toán kịp thời các khoản nợ của mình. Gần 1/4 số người được hỏi (24%) nói rằng họ có kế hoạch trả hết nợ thẻ tín dụng trong vòng 12 tháng tới, tăng hơn 5 điểm phần trăm so với năm 2022, trong khi có khoảng 19% tâm sự việc thanh toán các khoản nợ luôn nằm trong danh sách những việc ưu tiên cần phải làm của họ.

Ahmed-Haq nhận xét kể cả những kế hoạch được chuẩn bị tốt nhất cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức do chi phí sinh hoạt cao hơn. Bà này nói rằng với việc chi tiêu thường xuyên ngày càng tăng và chi phí nợ cao hơn, người Canada có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khoản thanh toán một lần mà họ cần để giảm hoặc xóa các khoản vay của mình.

Theo MacPherson, bước đầu tiên phù hợp nhất đối với hầu hết người dân Canada đang cảm thấy bị choáng ngợp bởi các vấn đề về tiền bạc là phải tính toán dòng tiền của mình để phần chi tiêu nào của họ đang gây áp lực lớn nhất cho tình hình tài chính của cá nhân của họ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục