Nền kinh tế Trung Quốc có đang đi theo “lối cũ” của Nhật Bản?

08:10' - 28/03/2023
BNEWS Theo báo Liên hợp buổi sáng, nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng giống Nhật Bản 30 năm trước. Rất nhiều người cũng có quan điểm này.

Trên thực tế, hai nền kinh tế trên vừa có điểm tương đồng vừa có điểm khác biệt. Quan sát cụ thể những điểm tương đồng và những điểm khác biệt sẽ có lợi cho việc nhìn về xu hướng tương lai của kinh tế Trung Quốc. Trước hết, bài báo xem xét ba điểm tương đồng sau:

* Tỷ lệ sinh giảm

Về tỷ lệ sinh tổng thể của Trung Quốc, báo cáo của Chính phủ cho thấy tương tự với Nhật Bản (1,3). Tuy nhiên, theo kết quả thống kê dân số của Liên hợp quốc thì tỷ lệ này của Trung Quốc đã giảm xuống mức 1,16.

Cùng với thu nhập được cải thiện và trình độ học vấn cao, hiện tượng tỷ lệ sinh giảm không chỉ là căn bệnh phổ biến ở Nhật Bản, mà còn là của Đông Á, song hiện tượng tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc tăng nhanh là do chính sách kế hoạch hóa dân số gây nên. Đây là điểm khác biệt so với Nhật Bản và các nước khác, tốc độ tỷ lệ sinh giảm hiện nay của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng “dân số lao động giảm do tỷ lệ sinh giảm sẽ bóp chết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc” là một sự thổi phồng, bởi vì Trung Quốc còn có giải pháp. Nếu kéo dài độ tuổi về hưu 60 tuổi của nam và 55 tuổi của nữ hiện nay thì có thể bù đắp sự sụt giảm của dân số lao động.

Điều này tương tự với cách làm khuyến khích phụ nữ có con lớn quay lại làm việc, cũng như tuyển dụng lại nam giới đến tuổi nghỉ hưu để bù đắp sự sụt giảm dân số lao động của Nhật Bản trong 20 năm qua.    

* Bong bóng bất động sản

Bốn năm trước, một nhà kinh doanh bất động sản Trung Quốc từng nói: “Giá trị thị trường bất động sản của Trung Quốc ước tính khoảng 65.000 tỷ USD, lớn hơn tổng giá trị của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản”. Người Nhật Bản khi nghe câu nói này cảm thấy “giống hệt Nhật Bản 30 năm trước”.

Bong bóng bất động sản Trung Quốc rất khó vỡ. ảnh: Bloomberg.com

Giá bất động sản ở các thành phố chủ chốt của Trung Quốc đã cao hơn 10 lần thu nhập trung bình hàng năm của người lao động, lợi tức đầu tư chưa đến một nửa lãi suất thế chấp, cho dù xét theo tiêu chí nào thì giá nhà cũng đều quá cao.

Điều này không chỉ đã làm trầm trọng thêm gánh nặng thuê nhà của người không có nhà, cũng như gánh nặng trả nợ của người mua nhà, mà còn đẩy nhanh quá trình tập trung của cải vào tầng lớp giàu có, trở thành "độc tố" cản trở đà tăng trường kinh tế.

 

Chính phủ Trung Quốc coi trọng tác động tiêu cực của vấn đề này, sau khi bong bóng bất động sản bùng phát trở lại vào năm 2020 đã thắt chặt nghiêm ngặt chuỗi vốn đối với các nhà phát triển bất động sản.

Tuy nhiên, biện pháp thắt chặt vốn này đã khiến thị trường bất động sản rơi vào suy thoái chưa từng có kể từ năm 2021, kịch bản giống như cách tiếp cận “đánh úp” nền kinh tế "bong bóng" bất động sản quá nóng vào những năm 1990 của Nhật Bản. Biện pháp quá liều lượng này của Nhật Bản khiến cho nền kinh tế bong bóng sụp đổ, mở ra cánh của “thập niên mất mát”.

Xem ra, khó tránh khỏi việc có người lo lắng thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ cất bước đi theo Nhật Bản, nhưng có điểm khác biệt với Nhật Bản. Do Chính phủ Trung Quốc độc quyền nguồn cung đất đai, can thiệp mạnh vào thị trường bất động sản, nên bong bóng bất động sản rất khó vỡ.

Trong 10 năm sau khi bong bóng đạt đỉnh vào năm 1991, giá đất của Nhật Bản giảm mạnh xuống còn 1/4 trước đó, rất khó tưởng tượng Trung Quốc sẽ xảy ra sụp đổ bong bóng khốc liệt tương tự như vậy.  

Cho dù như vậy, vẫn còn quá sớm để yên tâm. Sự sụp đổ của nền kinh tế bóng bóng, giống như cơ thể con người đào thải toàn bộ chất độc đã tích tụ ra ngoài. Nền kinh tế "bong bóng" không sụp đổ, gánh nặng thuê nhà và trả nợ vẫn trầm trọng, của cải tập trung vào tầng lớp giàu có vẫn diễn ra, tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế. Cho dù giá bất động sản tiếp tục tăng hay giảm mạnh, Chính phủ Trung Quốc đều đã rơi vào ngõ cụt không lối thoát.

* Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng mạnh

Trung Quốc thông qua các biện pháp như đầu tư công và giảm thuế… để bù đắp lỗ hổng suy giảm kinh tế khiến cho thâm hụt ngân sách tăng mạnh, điểm này tương đồng với Nhật Bản.

Thâm hụt ngân sách của Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Đặc biệt nghiêm trọng là ngân sách địa phương. Theo số liệu tháng 1 của Bộ Tài chính Trung Quốc, tổng thu ngân sách địa phương năm 2022 thấp hơn 2% so với năm 2021, nhưng thấp hơn 6% so với dự toán ban đầu.

Ngoài ra, nguồn thu từ bán đất vốn chiếm 30% tổng thu ngân sách của địa phương đã giảm 23% so với năm trước.

Do kinh tế ảm đạm, nguồn thu thuế giảm và các biện pháp giảm thuế quy mô lớn, các khoản chi tiêu cao như phí xét nghiệm axit nucleic lớn do chính sách “Không COVID” gây nên, năm 2021 là một năm u ám đối với ngân sách địa phương.

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, năm 2022 chính quyền trung ương cho phép các địa phương khó khăn về ngân sách phát hành thêm trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tổng lượng phát hành mới của trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt năm 2020 là 3.600 tỷ nhân dân tệ, năm 2021 là 3.600 tỷ nhân dân tệ, năm 2022 là 4.000 tỷ nhân dân tệ, cộng thêm phần nợ vay, hơn 21.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt đã được phát hành trong 3 năm qua.

Bên cạnh phải chịu trách nhiệm các khoản nợ chính thức nảy sinh từ trái phiếu địa phương, chính quyền địa phương còn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiềm ẩn của các nền tảng tài chính.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) được công bố vào tháng 1, nợ chính thức  (dư nợ trái phiếu địa phương) và nợ tiềm ẩn của địa phương vào năm 2016 là 35.700 tỷ nhân dân tệ, năm 2022 là 92.100 tỷ nhân dân tệ, tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, dự kiến năm 2026 sẽ tăng thêm 50% lên đến 143.500 tỷ nhân dân tệ.

Tốc độ tăng mạnh này khiến cho mọi người liên tưởng đến thâm hụt ngân sách tích lũy của Nhật Bản do ứng phó với khủng hoảng kinh tế và tài chính sau khi sụp đổ bong bóng kinh tế vào những năm 1990. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản luôn duy trì chính sách lãi suất bằng 0, hiện nay lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn, trái phiếu chính quyền địa phương của Trung Quốc gần 3%, lãi suất của các khoản nợ tiềm ẩn còn cao hơn.

Đây là điểm khác biệt so với Nhật Bản. Tính toán một cách đơn thuần, vào năm 2026, chỉ tính riêng tiền lãi, chính quyền địa phương Trung Quốc sẽ phải gánh vác hơn 5.000 tỷ NDT, khoản nợ có thể tiếp tục phình to như quả cầu tuyết.

Nếu chỉ nhìn vào ngân sách địa phương như vậy sẽ khiến mọi người lo lắng liệu nền kinh tế Trung Quốc có đi vào ngõ cụt hay không, tuy nhiên đây cũng là nỗi “lo bò trắng răng”. Bởi vì thâm hụt ngân sách trung ương năm 2022 chiếm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), xét từ góc độ chi tiêu vượt quá thu nhập của ngân khố (thâm hụt ròng), cũng chỉ mới 5%-6%, vẫn rất lành mạnh.

Nói cách khác, gánh nặng của chính quyền địa phương bao gồm an sinh xã hội đang tăng lên, nhưng trung ương lại không cung cấp đủ nguồn lực tài chính khiến cho ngân sách địa phương rơi vào tình trạng khó khăn. Ngân sách địa phương phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ đất đai cũng xuất phát từ lý do tương tự.

Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang bước vào nhiệm kỳ thứ ba, do vậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần nhanh chóng thực hiện những cải cách mang tính căn bản để phát triển bền vững ngân sách địa phương. Nếu không, chỉ ứng phó với khó khăn trước mắt sẽ gây nên ảnh hưởng tiêu cực lớn đối với đời sống người dân và hệ thống tài chính.           

Việc phát hành một lượng lớn trái phiếu đặc biệt trong 2-3 năm qua chủ yếu là dùng cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế là “quốc sách” thực hiện để hỗ trợ sự hưng thịnh, nên trung ương cũng phải có trách nhiệm trả nợ. Đối với lương hưu, cũng cần thay đổi hiện trạng chuyển nguồn lực tài chính từ khu vực giàu có sang khu vực khó khăn, đổi thành cơ chế do trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm.

Nếu thực hiện cải cách như vậy, thâm hụt ngân sách trung ương sẽ tăng mạnh và cũng phải phát hành một lượng lớn trái phiếu chính phủ, tuy nhiên ít nhất là trong một thời gian khá dài, nền kinh tế sẽ không rơi vào tình cảnh bế tắc. Bởi vì hiện nay Trung Quốc đang nắm giữ một lượng tài sản ròng nước ngoài rất lớn, ngay cả khi phát hành trái phiếu chính phủ cũng có thể hấp thụ hết trong nước, ngân sách trung ương sẽ không phá sản trong một thời gian tương đối dài, Nhật Bản chính là ví dụ điển hình.

Dưới xu hướng tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số, ngân sách trung ương của Trung Quốc sẽ không ngừng tích tụ thâm hụt, nợ nần, và điều đáng quan ngại nhất là đi theo lối cũ của Nhật Bản. Người Trung Quốc thường nói “học tập kinh nghiệm của Nhật Bản”, nhưng việc đi theo “vết xe đổ” như vậy thực sự có ý nghĩa gì?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục