Ngã rẽ nào cho PG Bank?

09:37' - 31/03/2023
BNEWS Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Đại hội lần này là liệu PG Bank sẽ về "một nhà" với đối tác nào sau khi cổ đông lớn là Petrolimex quyết định thoái vốn.

Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB) sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 25/4 tới tại Hà Nội.

Bên cạnh báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023, một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm tại Đại hội lần này là liệu PG Bank sẽ về "một nhà" với đối tác nào sau khi cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) quyết định thoái vốn.

 

Tính tới ngày 31/12/2022, PG Bank chỉ có 1 cổ đông lớn là Petrolimex sở hữu 40% vốn điều lệ, số còn lại thuộc về các cổ đông khác. Tuy nhiên, vào ngày 7/4 tới, Petrolimex sẽ thực hiện việc thoái vốn toàn bộ khỏi PG Bank thông qua đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) với số lượng 120 triệu cổ phiếu PGB. Giá đấu khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu.

Theo đại diện PG Bank, việc Petrolimex thoái vốn toàn bộ khỏi ngân hàng này là cơ hội cho nhà đầu tư mới. Nếu vốn được tăng thêm cùng sự hỗ trợ của nhà đầu tư mới và xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, PG Bank sẽ có bước phát triển đột phá hơn.

Liên quan đến nhà đầu tư mới tại PG Bank, nhiều thông tin cho rằng rất có khả năng sẽ là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) khi thời gian qua  xuất hiện nhiều tín hiệu từ cả hai phía.

Mới đây nhất, ngày 30/3, MSB đã công bố dự thảo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, bao gồm tờ trình về việc thông qua nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Theo tờ trình, MSB cho biết thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững.

Cùng với kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập  Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị MSB trình Đại hội thông qua việc sáp nhập một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường tại Việt Nam với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

MSB nêu mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập để hướng tới tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.

Trong khi đó tại PG Bank, ông Đỗ Thành Công vừa được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt hồi tháng 2/2023. Đáng chú ý, trước khi gia nhập PG Bank, ông Công từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại MSB như: Giám đốc Trung tâm xử lý tín dụng tập trung Hà Nội, Phó Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư, Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro, Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...

Đây cũng không phải nhân sự duy nhất tại PG Bank là "người nhà" MSB bởi trước đó, tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó Tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PG Bank và hiện là Tổng giám đốc ngân hàng.

Đến tháng 4/2021, ông Nilesh Banglorewala và ông Oliver Schwarzhaupt được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank. Cụ thể, ông Nilesh Banglorewala từng là Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB, còn ông Oliver Schwarzhaupt là Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý rủi ro MSB.

Việc liên tiếp xuất hiện các cựu lãnh đạo cấp cao của MSB trong Ban quản trị điều hành của PG Bank càng củng cố thêm về khả năng 2 ngân hàng này sẽ về "một nhà".

Trước đó, từng có một số ngân hàng đưa ra phương án sáp nhập PG Bank như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG) hồi năm 2015, với phương thức hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:0,9, tức 1 cổ phiếu PGB đổi 0,9 cổ phiếu CTG; tiếp đến là Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) năm 2018 đưa ra phương án hoán đổi với tỷ lệ 1:0,621, tức 1 cổ phiếu PGB hoán đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDB.

PG Bank tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập ngày 13/11/1993. Năm 2007, Ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex.

Năm 2022, PG Bank đạt lợi nhuận cao nhất trong gần 10 năm với lợi nhuận trước thuế đạt 506 tỷ đồng, tăng 56,4% so với năm 2021. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt là 48.991 tỷ đồng và 4.585 tỷ đồng.

Năm 2023, PG Bank dự kiến trình cổ đông mục tiêu tổng tài sản đạt mức 53.051 tỷ đồng với tổng dư nợ tín dụng là 35.881 tỷ đồng, tổng huy động đạt 47.213 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 530 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3, giá cổ phiếu PGB tăng 2,43% lên mức 21.100 đồng/cổ phiếu. Cùng ngày, cổ phiếu MSB cũng tăng 2,46% lên mức 12.500 đồng/cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục