Ngăn chặn các hoạt động buôn lậu dịp cuối năm

10:20' - 06/12/2021
BNEWS Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý với tội phạm buôn lậu

Cuối năm, hoạt động buôn lậu các loại hàng hóa trên các tuyến biên giới, cửa khẩu và đường biển có chiều hướng gia tăng gây ra không ít khó khăn cho lực lượng hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý với tội phạm buôn lậu. 

Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ tăng cường thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt, dịp trước, trong và sau Tết thường là thời gian cao điểm mà các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại và tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Các đơn vị tập trung tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm... và hàng cấm như ma túy, pháo nổ..

Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng vừa có công văn gửi các đơn vị liên quan về về tăng cường kiểm tra kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên tuyến biên giới, vùng biển.

Theo đó, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu, than trên thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, than tăng giảm thất thường và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Do tác động từ bên ngoài, ở trong nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng xăng dầu còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, khó lường, việc sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển, gây thất thu ngân sách nhà nước, mất an ninh năng lượng…

Vì vậy Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu xây dựng các phương án, kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát , phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới , vùng biển.

Từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới vẫn đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Một số các cửa khẩu quốc tế đã đóng cửa và các nước tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, người nhập cảnh chặt chẽ theo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc giao thương, hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Liên quan đến phòng, chống vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, Tổng cục Hải quan cho biết, tình trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và cất giấu số lượng lớn ma túy lẫn trong hàng hóa xuất nhập khẩu với phương thức tinh vi (trong tân dược, sữa, thực phẩm chức năng; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, thiết bị máy móc,...).

Điển hình, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công 2 chuyên án lớn do Cục Hải quan Tp. Hà Nội chủ trì, bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 127,5 kg ma túy tổng hợp; và chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) xác lập, phối hợp với Công an Tp. Hồ Chí Minh bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ khoảng 280,85 kg Ketamine được cất giấu trong các máy mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày và lòng lợn đông lạnh để chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ.

Thời gian qua do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế sử dụng trong việc phòng, chống dịch tăng cao. Một số đối tượng đã tổ chức nhập lậu, quảng cáo và rao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị bệnh COVID-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”.

Dự báo trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng này. Điển hình chỉ trong tháng 8 và 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Tp. Hà Nội phát hiện bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh COVID-19, bao gồm: 1.470 hộp (17 viên/hộp); 78.800 viên; 490 lọ thuốc điều trị COVID (xuất xứ: INDIA); 180 bộ test COVID (xuất xứ: China); 220 hộp thuốc kháng Virus ( xuất xứ: Russia)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục