Ngăn chặn thất thoát đất công tại TP.HCM - Bài 1: Đất quốc phòng "rơi vào tay" tư nhân
Thời gian qua, một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành Trung ương bị xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền, thậm chí nhiều người bị khởi tố, xử lý hình sự, nhận án phạt tù liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, gây thiệt hại, thất thoát lớn tài sản Nhà nước.
Ngoài ra, hàng loạt cán bộ cấp sở, công ty nhà nước trên địa bàn thành phố cũng đã và đang bị xử lý liên quan đến đất công. Thực tế này khiến dư luận xã hội băn khoăn, thậm chí cảm thấy lo lắng, bức xúc.
Để rộng đường dư luận cũng như nhận diện các sai phạm, nguyên nhân và giải pháp để xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng nhức nhối, đáng báo động này, phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết, qua một số vụ việc nổi cộm gần đây.
Bài 1: Đất quốc phòng "rơi vào tay" tư nhân
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, 3 khu đất “vàng” gồm số 2, số 7-9, số 9-11 Tôn Đức Thắng, Quận 1, do Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, quản lý đã bị xử lý trong vụ án liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến (lĩnh án tù 4 năm). Do buông lỏng quản lý, 3 khu đất này lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân không qua đấu giá, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
* Mang đất quốc phòng đi liên danh
Đầu năm 2020, vụ án xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến liên quan đến 3 khu đất “vàng” nói trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Lý do chưa hẳn xuất phát từ việc xét xử, nghiêm trị nguyên lãnh đạo cao cấp quân đội vi phạm pháp luật, mà còn là việc làm rõ quá trình “hô biến” đất quốc phòng vào tay doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Theo Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên Dịch vụ và Du lịch Biển Đảo Hải Thành (gọi tắt là Công ty Hải Thành) thuộc Quân chủng Hải quân được giao quản lý 3 khu “đất vàng” số 2, số 7-9 và 9-11 Tôn Đức Thắng, nhưng lần lượt đã mang giá trị quyền sử dụng đất làm vốn góp liên danh với công ty khác để triển khai dự án căn hộ cao tầng cho thuê, trái với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng như trái với pháp luật đất đai.
Tại khu đất số 2 Tôn Đức Thắng, Công ty Hải Thành đã mang giá trị quyền sử dụng đất của 1.215 m2 chỉ với giá 187 tỷ đồng để liên danh với Công ty Cảnh Hưng thành lập công ty làm dự án. Sau đó công ty làm dự án đã bán gần hết cổ phần cho các công ty tư nhân trong nước hoặc công ty liên kết với nước ngoài, dẫn tới doanh nghiệp quốc phòng mất quyền kiểm soát dự án, không đảm bảo lợi nhuận cũng như gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Hiện nay, trên khu đất này đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi. Theo Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, vào thời điểm tháng 11/2018 khu đất số 2 Tôn Đức Thắng có giá gần 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo đơn giá giao dịch thực tế hiện nay và giá các công ty tư vấn giá bất động sản đưa ra thì tuyến đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 có giá từ 756 triệu đồng/m2. Như vậy khu đất này ít nhất cũng có giá 918 tỷ đồng.
Tương tự, khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng có diện tích 3.531 m2. Năm 2009, UBND Thành phố Hồ Chí Minh duyệt giá trị quyền sử dụng đất khu đất là gần 504 tỷ đồng. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và dịch vụ Yên Khánh đã xin Quân chủng Hải quân hợp tác kinh doanh với Công ty Hải Thành để thành lập công ty làm dự án là Công ty Yên Khánh Hải Thành và được chấp thuận.
Công ty Hải Thành đã mang giá trị sử dụng đất của khu đất này là 504 tỷ đồng làm vốn góp liên danh hợp tác. Sau khi nhận khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh đã tiến hành các thủ tục gian dối để chuyển đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành rồi thế chấp ngân hàng, chiếm đoạt hơn 525 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty Hải Thành đã đàm phán với bà Trần Thị Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Mai Anh (bà Trần Thị Lâm hiện là Chủ tịch Hoa Lâm Group), sau đó 2 bên ký kết thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành (gọi tắt là Công ty Mai Thành) làm dự án cao ốc đa chức năng tại khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng, diện tích 1.917 m2. Giá trị ban đầu của khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng được xác định chỉ 248 tỷ đồng. Về sau, Công ty Mai Thành chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam.
Hệ quả là doanh nghiệp quốc phòng chỉ giữ phần nhỏ vốn điều lệ, mọi hoạt động của công ty liên danh làm dự án đều do các đối tác khác trong công ty liên danh điều hành, quản lý. Chỉ tính theo con số mà Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đưa ra trong bản cáo trạng thì vào tháng 11/2018 khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng có giá gần 550 tỷ đồng. Còn theo tính toán của một số công ty tư vấn bất động sản và giá giao dịch thực trên thị trường, khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng có giá hơn 1.449 tỷ đồng.
Mặc dù hiện nay Công ty Hải Thành vẫn còn giữ 23,63% vốn điều lệ và ban đầu là đơn vị đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhưng về sau cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp đổi sang cho Công ty Cổ phần đầu tư TCO Việt Nam và Công ty Mai Thành.
Như vậy, Nhà nước không những đã phải mất đi một khoản tiền lớn (nếu khu đất được đem ra bán đấu giá công khai ngay từ đầu), mà còn vô cùng gian nan trong việc giải quyết hậu quả. Bởi lẽ hiện nay trên khu đất này đã “mọc” lên tòa nhà 34 tầng đang được cho thuê làm văn phòng.
Người nước ngoài sở hữu đất quốc phòng
Có thể nói, 3 khu đất quốc phòng trên đây chỉ là một trong khá nhiều khu đất quốc phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển đổi công năng để nhiều doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng dự án “biệt thự, căn hộ triệu đô”, phạm vi trải rộng ở nhiều địa bàn từ quận Tân Bình, Gò Vấp, cho đến Bình Thạnh, Quận 9, Quận 10…
Không chỉ vậy, đất quốc phòng còn được tư nhân hóa thông qua việc giao chỉ định nhà đầu tư trong nước tiếp nhận và làm dự án, nhưng sau đó rút vốn “nhường chỗ” cho doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ. Câu chuyện diễn ra tại dự án Khu dân cư 7/5, quy mô 32,4 ha tại phường Long Trường, Quận 9.
Đây là khu đất quốc phòng sử dụng làm trường bắn. Sau khi di dời trường bắn từ Quận 9 về huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/6/2004, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3243/QĐ-UBND về việc “tạm giao” 32,4 ha nói trên cho Công ty TNHH Một thành viên 7/5 (thuộc Quân khu 7, gọi tắt là Công ty 7/5) để đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư 7/5.
Việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định số 3243 nêu trên vào ngày 31/6/2004 là khá “nhạy cảm” bởi chỉ 1 ngày sau đó, Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định chặt chẽ hơn về thủ tục thu hồi đất, giao đất và giải phóng mặt bằng. Vì thế, Quyết định 3243 không thể hiện rõ ranh giới, không nêu cụ thể diện tích đất (chỉ ước lượng), không xác định được số thửa, tờ bản đồ cụ thể…
Đặc biệt, Quyết định 3243 đã đưa ra khái niệm “lạ lùng” là “tạm giao đất” vốn không được thể hiện trong pháp luật đất đai vào thời điểm đó. Mặt khác, việc “tạm giao đất” này là “tạm giao” cho công ty quốc phòng thực hiện dự án thương mại, về bản chất không phải là chuyển mục đích sử dụng đất.
Do năng lực Công ty 7/5 yếu kém nên trong thời gian dài dự án không thể triển khai. Trong cùng thời gian đó, Bộ Quốc phòng chủ trương giải thể Công ty 7/5, cho phép Công ty được bán các khoản nợ, các dự án đã và đang triển khai để thu hồi vốn. “Đối tác” được thế chân làm tiếp dự án Khu dân cư 7/5 là Công ty TNHH A Sung với “ưu ái” đặc biệt, gồm kế thừa toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án, kể cả tiền sử dụng đất 118 tỷ đồng đã đóng cho ngân sách Nhà nước.
Công ty TNHH A Sung được thành lập năm 2013, do ông Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 làm Giám đốc, bà Trần Thị Oanh Oanh làm thành viên. Điều “lạ lùng” là vốn điều lệ Công ty chỉ có 1 tỷ đồng, ngành nghề đăng ký kinh doanh là giáo dục, thế nhưng vẫn được xác định chủ đầu tư dự án nhà ở Khu dân cư 7/5.
Qua nhiều lần thay đổi đăng ký thông tin doanh nghiệp, đến thời điểm Công ty TNHH A Sung được giao đất để thực hiện dự án (tháng 6/2015), ông Trần Ngọc Thổ vẫn giữ chức Giám đốc và trong tháng 10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH A Sung.
Trong khi dự án vẫn là bãi đất trống thì Công ty TNHH A Sung tiếp tục thay đổi đăng ký thông tin doanh nghiệp. Thành viên cũ gồm ông Trần Ngọc Thổ và bà Trần Thị Oanh Oanh lần lượt rút khỏi Công ty để đến năm 2017, Giám đốc Công ty TNHH A Sung là ông Lee Hyung Jin (sinh năm 1965), quốc tịch Hàn Quốc.
Dư luận băn khoăn, để triển khai tiếp dự án Khu dân cư 7/5, tại sao cơ quan chức năng lại không tổ chức bán đấu giá khu đất, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để rồi 32,4 ha đất có nguồn gốc đất quốc phòng đã được “thay vai đổi chủ”, “âm thầm” rơi vào tay của người nước ngoài một cách khó hiểu đến như vậy?
Rõ ràng, nếu 32,4 ha quốc phòng ở Quận 9 và 3 khu đất “vàng” trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được đem ra đấu giá theo đúng quy định pháp luật, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ thu khoản tiền không hề nhỏ.
Bằng chiêu thức mang đất quốc phòng đi liên danh trái pháp luật, chuyển giao quỹ đất cho doanh nghiệp trong nước theo hình thức chỉ định nhà đầu tư rồi rút vốn, để rồi cá nhân doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm dự án, nguồn lực đất đai đã không được sử dụng hiệu quả, bị bóp méo mục đích và giá trị sử dụng, gây thất thoát ngân sách nhà nước, mà đến nay việc xử lý hậu quả đang là bài toán chưa có lời đáp cuối cùng./.
>>>Bài 2: Chiêu góp vốn, chuyển nhượng dự án
>>>Kê biên hàng trăm thửa đất Công ty Alibaba làm “dự án ma” tại Đồng Nai
Tin liên quan
-
Bất động sản
Quản lý đất công tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài cuối: Siết chặt quản lý
15:49' - 28/02/2020
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại Tp. Hồ Chí Minh sẽ được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng quy định, tránh gây thất thoát tài sản.
-
Bất động sản
Quản lý đất công tại Tp. Hồ Chí Minh – Bài 2: Dự án dở dang
15:48' - 28/02/2020
Dở dang không kém Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều lượt khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng chưa có “hồi kết” là dự án 1 Bis – 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.
-
Bất động sản
Quản lý đất công tại Tp. Hồ Chí Minh – Bài 1: Cho thuê tràn lan
15:45' - 28/02/2020
Công tác quản lý, sử dụng đất công tại TP. HCM được giao cho nhiều đầu mối, trong khi các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn khiến phát sinh nhiều sai phạm.
Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo bồi thường thỏa đáng, công bằng
12:39'
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều chuyên gia góp ý là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích.
-
Bất động sản
Trải nghiệm chất sống Indochine tại phía Tây Hà Nội
11:20'
Trên nền tảng kiến trúc Indochine ấn tượng của phân khu The Tonkin, TK2 - Maison Détox mang đến nguồn cảm hứng duy mỹ bất tận, thể hiện qua hệ tiện ích giàu bản sắc cùng chuỗi trải nghiệm thời thượng.
-
Bất động sản
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong
07:46'
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
-
Bất động sản
Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045
20:58' - 28/03/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh.
-
Bất động sản
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tạo động lực khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai
20:10' - 28/03/2023
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa những quy định để tạo động lực khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
-
Bất động sản
Lời giải nào cho “tái định cư thủy điện” - Bài cuối: Để khu tái định cư thực sự được “định cư”
17:49' - 28/03/2023
Việt Nam cũng như trên thế giới có rất ít các dự án tái định cư, đặc biệt là tái định cư thủy điện thành công trong việc phục hồi sinh kế, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng bị ảnh hưởng.
-
Bất động sản
Lời giải nào cho “tái định cư thủy điện” - Bài 2: Chính sách tái định cư chưa phù hợp
17:29' - 28/03/2023
Theo đánh giá của các chuyên gia và các sở, ngành của tỉnh Kon Tum, chính sách tái định cư hiện còn nhiều lỗ hổng, chưa triệt để.
-
Bất động sản
Lời giải nào cho “tái định cư thủy điện” - Bài 1: “Lay lắt” tái định cư thủy điện
17:28' - 28/03/2023
Những khu tái định cư do ảnh hưởng của thủy điện chưa thực sự giúp cho bà con “định cư”, bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đẩy một số khu tái định cư vào cảnh hoang tàn, ít người sinh sống.
-
Bất động sản
Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân: Gỡ những điểm nghẽn
16:51' - 28/03/2023
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn.