Ngân hàng kỹ thuật số với kỳ vọng thay đổi hệ thống tài chính Malaysia

05:30' - 16/05/2021
BNEWS Tại Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã ban hành khung ngân hàng kỹ thuật số với mục tiêu thúc đẩy các công cụ tài chính toàn diện trong tương lai.

Các ngân hàng kỹ thuật số ở nhiều quốc gia trên trên thế giới cũng đã đạt được một số thành tựu, góp phần mang đến dịch vụ giao dịch ngoại hối rẻ hơn cho khách du lịch hoặc cung cấp khoản vay hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuối năm 2020, Singapore đã cấp phép cho 4 ngân hàng kỹ thuật số và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) kỳ vọng các ngân hàng kỹ thuật số mới sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2022. 

Không chỉ ở Singapore, các ngân hàng kỹ thuật số ở nhiều quốc gia trên trên thế giới cũng đã đạt được một số thành tựu, góp phần mang đến dịch vụ giao dịch ngoại hối rẻ hơn cho khách du lịch hoặc cung cấp khoản vay hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tại Malaysia, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã ban hành khung ngân hàng kỹ thuật số với mục tiêu thúc đẩy các công cụ tài chính toàn diện trong tương lai bằng cách khuyến khích việc sử dụng có trách nhiệm các giải pháp mới phù hợp cho các phân khúc chưa thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính sẵn có trước đây.

Theo ông Rajendar Dhorkay - Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới Nium chi nhánh Malaysia, kinh nghiệm mà Malaysia có thể học hỏi từ Singapore là sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ giữa các “người chơi” truyền thống và nhân tố mới. 

Chính vì vậy, các ngân hàng kỹ thuật số sắp tới của Malaysia nên xem xét cách thức hợp tác với các ngân hàng truyền thống để tạo ra một hệ sinh thái, từ đó thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong “sân chơi” tài chính.

* Những lợi ích dành cho khách hàng cá nhân và SME

Ông Dhorkay chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa hai quốc gia láng giềng. Đó là khách hàng mục tiêu. Việc thúc đẩy ngân hàng kỹ thuật số của Malaysia chủ yếu nhằm giải quyết khoảng trống thị trường trong phân khúc khách hàng chưa tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống, điều này phản ánh rất rõ ràng trong khuôn khổ ngân hàng kỹ thuật số của BNM.

Hiện Malaysia chỉ cung cấp một loại giấy phép dành cho các ngân hàng thông thường và ngân hàng Hồi giáo, trong khi Singapore có hai loại giấy phép ngân hàng kỹ thuật số dành cho ngân hàng phục vụ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DFB), và ngân hàng chỉ phục vụ khách hàng doanh nghiệp và tổ chức tài chính lớn (DWB). 

Các ngân hàng kỹ thuật số của Singapore nhiều khả năng nhắm đến những khách hàng thuộc thế hệ sinh ra từ đầu những năm 1980 tới cuối 1990 (thế hệ Y) - những người am hiểu về kỹ thuật số; và các SME - vốn chiếm đến 99% các công ty của Singapore và sử dụng 70% lao động.

Tuy nhiên, điểm tương đồng giữa cách tiếp cận của cả hai quốc gia là mục tiêu thúc đẩy sự hòa nhập tài chính. CEO của Nium Malaysia nhấn mạnh, điều này có thể đạt được thông qua việc giảm chi phí, tăng sự thuận tiện và cung cấp khả năng tiếp cận các giải pháp tài chính hợp lý cho tất cả mọi người.

Nghiên cứu về ngân hàng kỹ thuật số của PwC Malaysia đã cho thấy, các ngân hàng tại Malaysia đang ở “ngã ba đường”. Quốc gia Hồi giáo này ngày càng đón nhận cuộc cách mạng của ngân hàng kỹ thuật số, người tiêu dùng Malaysia đã tỏ ra cởi mở với các công nghệ mới. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ dữ liệu vẫn là mối quan ngại chính.

Theo ông Dhorkay, do các ngân hàng kỹ thuật số không có chi nhánh nên nhiều khả năng các sản phẩm tài chính của họ sẽ đi kèm với mức lãi suất cao hơn và phí thấp hơn. 

Những đối tượng chưa tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở Malaysia, chẳng hạn như phân khúc thị trường B40 (nhóm người có thu nhập thấp), các doanh nghiệp siêu nhỏ và SME là khách hàng tiềm năng của các ngân hàng kỹ thuật số. Ông Dhorkay nói thêm, các dịch vụ của ngân hàng kỹ thuật số có sự tiện lợi đáng kể và các dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn.

* Không gian thị trường đông đúc

Nhận định về thị trường ngân hàng, ông Dhorkay đánh giá rằng các ngân hàng kỹ thuật số đang bước vào một hệ sinh thái dịch vụ tài chính-ngân hàng vốn đã đông đúc của Malaysia và “sân chơi” này sẽ ngày càng cạnh tranh trong những năm tới.

Trong báo cáo về công nghệ tài chính và ngân hàng kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình dương từ nay tới năm 2025, công ty nghiên cứu IDC và  Backbase dự báo tới năm 2025 mỗi quốc gia trong khu vực sẽ có ít nhất 2 ngân hàng kỹ thuật số. Có tới 63% người sử dụng dịch vụ ngân hàng được hỏi cho biết họ sẵn sàng chuyển sang ngân hàng kỹ thuật số.

Theo CEO của Nium Malaysia, khi xét đến quy định đối với ngân hàng kỹ thuật số tại Malaysia, các tổ chức tài chính có thể tạo ra một ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn theo quy định hiện có, hoặc tạo các kênh di động mới để cạnh tranh với các ngân hàng kỹ thuật số mới. Họ cũng có thể đăng ký xin cấp phép là ngân hàng kỹ thuật số độc lập hoặc là một phần của một tập đoàn lớn. 

Ông Dhorkay khuyến nghị, tất cả các lựa chọn trên đều yêu cầu các công ty theo sát quá trình số hóa các công nghệ tài chính và cơ sở hạ tầng của họ. Từ đó, họ có thể lựa chọn làm mô hình kinh doanh thông qua xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với những ngân hàng truyền thống hoặc các nhân tố mới nhằm cạnh tranh trong “sân chơi” đông đúc này.

Ông Dhorkay cũng chỉ ra rằng các “người chơi” sẽ phải đối mặt với một thách thức quan trọng đó là sự phát triển của các quy định liên quan đến ngân hàng kỹ thuật số. Đây là một lĩnh vực mới, nên luôn cần có sự điều chỉnh quy định quản lý phù hợp. 

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) phải luôn cập nhật sự thay đổi nhanh chóng của các quy định cũng như đảm bảo sự tuân thủ nghiêm ngặt vì đây là nhân tố quyết định việc các tổ chức tài chính có thể tiếp tục hoạt động và duy trì tính cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, MAS yêu cầu các ngân hàng kỹ thuật số mới đảm bảo các tiêu chuẩn cao về an ninh mạng và quản trị rủi ro công nghệ tương tự như với các ngân hàng truyền thống.

Theo ông Dhorkay, một khó khăn lớn khác mà ngân hàng kỹ thuật số sẽ đối mặt đó là sự cạnh tranh đến từ các ngân hàng kỹ thuật số lẫn ngân hàng truyền thống. Trong khi các ngân hàng truyền thống đã thành lập lâu đời, có lợi thế về quy mô kinh tế và cơ sở khách hàng khổng lồ thì ngân hàng kỹ thuật số mới phải đối mặt với thách thức tạo dựng chỗ đứng trên thị trường và giành được sự tin tưởng của khách hàng.

Chính vì vậy, các ngân hàng kỹ thuật số phải thể hiện ưu thế và các điểm khác biệt trong dịch vụ của mình để thu hút khách hàng.

CEO của Nium Malaysia bày tỏ sự lạc quan về triển vọng ngân hàng kỹ thuật số có thể thúc đẩy số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ở Malaysia và Singapore, đây là mục tiêu cuối cùng mà nhiều người đang cố gắng đạt được.  

Mặc dù kết quả của các ngân hàng kỹ thuật số Singapore chưa rõ ràng và một số ngân hàng kỹ thuật số sẽ chỉ bắt đầu hoạt động vào năm 2022, vẫn còn nhiều thời gian để các cơ quan quản lý đưa ra những sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hòa nhập tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục